(HNM) - Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 27-5-2023 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc” (Chỉ thị 16) đã đề ra 18 nhiệm vụ, mang tính toàn diện, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, cần được thực hiện nghiêm và ngay lập tức.
Thực tế, tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc đã trở thành vấn nạn nhức nhối trong đời sống xã hội. Mặc dù cơ quan công an liên tiếp khám phá những vụ án lớn, nhưng vì tính chất siêu lợi nhuận, nhiều đối tượng vẫn lao vào như con thiêu thân, bất chấp pháp luật. Năm 2021, Công an thành phố Hồ Chí Minh khám phá đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng với số tiền giao dịch hơn 87.600 tỷ đồng (khoảng 3,8 tỷ USD). Năm 2022, Công an tỉnh Bắc Giang triệt phá đường dây đánh bạc trực tuyến qua mạng internet với tổng mức giao dịch lên tới 2.000 tỷ đồng. Đến tháng 4 vừa qua, Công an tỉnh Thái Bình lại khám phá đường dây đánh bạc trên mạng với số tiền giao dịch lên tới 2.600 tỷ đồng, có 4.000 người tham gia tổ chức và đánh bạc...
Đó là chưa kể hàng trăm vụ đánh bạc và tổ chức đánh bạc khác được khám phá hằng năm với đa dạng hình thức, cả trực tiếp và trực tuyến; liên quan đến hàng chục nghìn người... Điều đáng lo ngại là từ tệ nạn này đã kéo theo vô vàn hệ lụy tiêu cực đối với xã hội, là nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm nghiêm trọng khác như cướp của, giết người, trộm cắp, tín dụng “đen”... Nó còn tạo ra vòng luẩn quẩn cho nhiều số phận, làm tan vỡ không ít gia đình; ảnh hưởng xấu đến giáo dục trẻ em, cản trở tiến bộ xã hội...
Do đó, việc ban hành Chỉ thị 16 đã đáp ứng nhu cầu cấp bách từ thực tiễn, phù hợp với sự mong đợi của người dân. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các ngành chức năng phải bắt tay vào cuộc ngay, tổ chức thực hiện nghiêm túc, chất lượng. Trước tiên, điều quan trọng là phải tập trung khắc phục hạn chế trong tổ chức thực hiện phòng, chống tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc, nhất là sự thiếu quyết liệt, kém đồng bộ, chưa gắn kết trong phối hợp. Các giải pháp phải được thực hiện đồng thời, gắn bó chặt chẽ; kết hợp nhuần nhuyễn giữa các biện pháp răn đe nghiêm khắc với tuyên truyền, giáo dục, trọng tâm là xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, lấy gia đình làm hạt nhân, lấy con người làm chủ thể, bồi đắp những giá trị tốt đẹp “chân, thiện, mỹ”, coi trọng những giá trị được tạo dựng một cách thực chất, bền vững; chăm lo công ăn việc làm, giúp người dân có thu nhập ổn định, chuyên tâm lao động, giảm thời gian nhàn rỗi...
Cơ quan chức năng, nhất là cơ quan quản lý internet, mạng viễn thông, cơ quan công an cần có các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ mạnh, đủ sức làm chủ không gian mạng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn sự hình thành của các trang web, các hội nhóm tổ chức đánh bạc lôi kéo người dân; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả ở trong nước và quốc tế để kịp thời điều tra, xử lý tội phạm liên quan... Đây phải được coi là những nhiệm vụ có tính chất nền tảng, lâu dài.
Một bài học vô cùng quan trọng đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp suốt thời gian qua là muốn thành công phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc của nhân dân. Nếu làm được điều này, cụ thể hóa thành ý thức tự giác, trang bị kỹ năng trong mỗi gia đình và đông đảo người dân, chắc chắn, tội phạm và tệ nạn cờ bạc sẽ được đẩy lùi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.