Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy lùi nạn bạo hành trẻ em

Bắc Vũ| 08/08/2022 07:16

(HNM) - Nạn bạo hành trẻ em vẫn chưa bao giờ hết nhức nhối và gây ra những lo lắng khôn nguôi trong toàn xã hội…

Thời gian qua, không ai có thể quên những vụ việc bạo hành trẻ em gây rúng động. Hiện dư luận vẫn còn “dậy sóng” bởi câu chuyện buồn khi bé gái 8 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh bị chính cha ruột của mình là Nguyễn Kim Trung Thái và người tình của đối tượng là Nguyễn Võ Quỳnh Trang bạo hành gây thương tích dẫn đến tử vong.

Hay vụ việc gã cha dượng “máu lạnh” ở Thạch Thất đã đóng đinh vào đầu cháu bé 3 tuổi, dẫn đến tử vong. Mới đây nhất, ngày 31-7-2022, cặp vợ chồng Đoàn Diệu Linh (được thuê trông trẻ) và Hoàng Thế Vũ đều ở Hà Nội, đã bị cơ quan công an tạm giữ hình sự để làm rõ hành vi hành hạ trẻ em khi dùng dây sạc điện thoại buộc chân, dùng que gỗ, búa nhựa đánh vào đầu, dùng chăn quấn vào người một cháu bé…

Không chỉ các vụ việc cụ thể, con số thống kê của cơ quan chức năng cũng khiến chúng ta không khỏi lo lắng. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm ở nước ta có hơn 2.000 trẻ bị bạo lực, xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp.

Những kẻ gây ra các vụ việc đau lòng này chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc, xã hội lên án mạnh mẽ. Thế nhưng, điều chúng ta băn khoăn, trăn trở là nạn bạo hành vẫn còn đó, như một vết thương không lành, thậm chí có chiều hướng gia tăng với mức độ ngày một trầm trọng… Nhức nhối hơn thế, nhiều vụ bạo hành lại xảy ra ngay chính ở những nơi tưởng chừng bình yên nhất cho trẻ, là gia đình, nhà trường…

Trẻ bị bạo hành không chỉ là nỗi đau của gia đình mà đó còn là nỗi nhức nhối khôn nguôi của toàn xã hội! Chúng ta phải làm gì để ngăn chặn, tiến tới chấm dứt nạn bạo hành trẻ em?

Pháp luật đã quy định rõ trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ trẻ em là của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Theo đó, gia đình luôn phải là chốn bình yên che chở cho tuổi thơ, để các em được lớn lên trong bình an, sự tin cậy và tình yêu thương. Người lớn, nhất là các bậc làm cha, làm mẹ phải nhận thức sâu sắc rằng, hành vi bạo hành con cái dù ở mức độ nào, với bất cứ lý do gì đều không thể chấp nhận được. Bởi những đứa trẻ lớn lên từ môi trường ẩn chứa bạo lực, có thể khi lớn lên cũng sẽ dễ dàng dùng bạo lực để giải quyết vấn đề mà chúng gặp phải…

Các nhà trường, ngoài là nơi bồi dưỡng tri thức, cần trang bị cho học sinh kiến thức và kỹ năng để bảo vệ bản thân. Nhà trường phải thực sự là “mái nhà bình yên” thứ hai sau gia đình, để trẻ em được lớn lên trong môi trường an toàn, nơi tình yêu thương dẫn lối.

Ở góc độ các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, bên cạnh việc đưa ra biện pháp nghiêm trị những đối tượng đã gây ra nỗi đau về thể xác và tinh thần cho trẻ em, cần tiếp tục thực thi các giải pháp toàn diện chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Trong đó, cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác giáo dục - đào tạo; tăng cường tuyên truyền giáo dục về quyền trẻ em, cách bảo vệ, chăm sóc trẻ em đến từng gia đình, khu dân cư.

Với xã hội, trước hết là cộng đồng dân cư, hàng xóm láng giềng, cần cùng nhau xây dựng môi trường sống thân thiện, gần gũi, nhân văn; khi phát hiện vụ việc bạo hành phải có trách nhiệm thông báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Mọi người, mọi nhà cùng chung tay ngăn chặn, đẩy lùi nạn bạo hành; toàn tâm, toàn ý chăm sóc, bảo vệ sẽ góp phần mang lại tương lai tốt đẹp cho trẻ em.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy lùi nạn bạo hành trẻ em

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.