(HNM) - Sau hơn một năm triển khai thực hiện Quyết định số 3814-QĐ/TU ngày 16-5-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc ban hành “Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Rõ nhất là sự chuyển biến rõ nét trong lề lối, tác phong làm việc của những “công bộc” trong bộ máy hành chính từ thành phố đến cơ sở.
Tuy nhiên, do đây là việc khó, lần đầu thực hiện đại trà trên quy mô rộng, nên việc triển khai không phải lúc nào cũng thuận lợi. Trên thực tế, việc cụ thể hóa nhiệm vụ sao cho phù hợp với đặc thù của địa phương, đơn vị cũng còn một số bất cập. Nhiều nơi lúng túng trong xây dựng kế hoạch công tác hằng tháng, quy trình tổ chức thực hiện. Khâu đánh giá chưa sát, chưa phản ánh đúng thực chất năng lực và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng. Bên cạnh đó, khi xây dựng tiêu chí đánh giá ở từng địa phương, đơn vị, có lúc, có nơi chưa cụ thể, gắn với từng chức danh, vị trí việc làm, dẫn đến tính định lượng chưa cao, biểu điểm chưa sát với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao cho từng đối tượng.
Nguyên nhân của tình trạng này là một số cấp ủy chưa tập trung, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quyết định số 3814-QĐ/TU. Người đứng đầu một số phòng, ban, đơn vị còn nể nang, ngại va chạm khi đánh giá; chưa thật sự quyết liệt trong phân công nhiệm vụ; chưa thường xuyên kiểm tra, đánh giá năng lực, chất lượng công việc của cán bộ, người lao động.
Trên thực tế, đánh giá cán bộ luôn là công việc khó, ảnh hưởng đến nhiều công việc khác; có ý nghĩa quyết định trong việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ chính sách liên quan. Đánh giá đúng sẽ tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, người lao động phát huy được sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và ngược lại. Do đó, khi ban hành Quyết định số 3814-QĐ/TU, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cũng xác định tinh thần là không cầu toàn, phải mạnh dạn ban hành để thực hiện. Khi thực hiện nếu phát sinh bất cập thì tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện...
Thời gian tới, để việc đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội đi vào thực chất, hiệu quả, cần làm tốt một số công việc sau:
Thứ nhất: Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về nhận thức trong mỗi cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị trong công tác đánh giá chất lượng công tác cũng như thi đua.
Thứ hai: Các cơ quan, đơn vị phải chỉ đạo xây dựng kế hoạch công tác theo lịch từng tuần, từng tháng, từng quý; trong đó phân công rõ người (chủ trì, tham mưu người thực hiện, phối hợp), rõ việc, rõ tiến độ.
Thứ ba: Cần phát huy rõ hơn vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp. Đặc biệt, trong đánh giá cán bộ, người lao động phải thật sự công tâm, khách quan, từ đó kết quả đánh giá mới có tác dụng thúc đẩy công việc tốt hơn.
Thứ tư: Kết quả đánh giá phải được công bố công khai, gắn với khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh.
Thứ năm: Để việc đánh giá thuận tiện, tiết kiệm, cần tìm hiểu và ứng dụng công nghệ thông tin ngay từ đầu trong tất cả các khâu, nhất là phải gắn với lịch công tác tuần, tháng...
Việc sớm sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện Quyết định số 3814-QĐ/TU trên toàn thành phố cũng rất cần thiết để nhân rộng cách làm hay, hiệu quả, tiến tới mở rộng phạm vi đánh giá xuống đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố. Cùng với đó là sớm có hướng dẫn thống nhất chung về khen thưởng liên quan đến kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng hằng tháng, giúp cơ sở dễ thực hiện.
Tin tưởng rằng khi đầu đã xuôi - phần việc khó khăn nhất là đưa văn bản vào cuộc sống đã được thực hiện tốt - thì đuôi sẽ lọt - hiệu quả thu được sẽ cao hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.