(HNM) - Đầu tháng 2-2015, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã đồng ý cho phép các DN triển khai 3G trên băng tần 900MHz (đang dùng cho 2G). Như vậy, với việc được cơ quan quản lý nhà nước cho phép, các DN cung cấp dịch vụ di động có thể triển khai mạng lưới
Triển khai dịch vụ 3G diện rộng trên băng tần mới sẽ phục vụ khách hàng tốt hơn. Ảnh: Thanh Hải |
Trở lại với câu chuyện về triển khai dịch vụ 3G trên băng tần 900MHz. Trước đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ toàn ngành năm 2014 tổ chức vào cuối năm 2013, lãnh đạo Tập đoàn VNPT khi đó đã đề xuất với Bộ cho phép DN thử nghiệm dịch vụ 3G trên băng tần dành cho 2G, với lý giải hiện nhu cầu sử dụng thoại (2G) có xu hướng giảm đi và như vậy sẽ gây ra sự lãng phí lớn về băng tần. Trong khi nhu cầu về dữ liệu (3G) ngày càng cao - mà việc cung cấp dịch vụ 3G lại ở dải băng tần 2.100MHz có đặc điểm phải cần tới chi phí đầu tư lớn, dẫn tới giá thành dịch vụ cao. Để có thể đưa ra mức giá phù hợp với người tiêu dùng trong nước thì một trong những việc mà DN phải tính tới đó là tối ưu hóa mạng lưới bảo đảm khai thác hiệu quả. Vì vậy, để tránh lãng phí, VNPT kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước là Bộ TT-TT cho phép DN triển khai thử nghiệm dịch vụ 3G trên băng tần dành cho 2G. Đề xuất này sau đó cũng được lãnh đạo Tập đoàn Viettel kiến nghị tới Bộ cho phép DN triển khai thử nghiệm công nghệ 3G trên dải tần 900MHz.
Năm 2009, Bộ TT-TT đã cấp 4 giấy phép cho 5 DN triển khai dịch vụ 3G ở dải băng tần 1.900-2.200MHz và các DN đã cung cấp dịch vụ 3G ở băng tần 2.100 MHz. Về hai dải băng tần 900MHz và băng tần 2.100MHz có thể hiểu như sau: Băng tần 900MHz đang dùng cho việc cung cấp dịch vụ di động 2G với chủ yếu là thoại và tin nhắn; còn băng tần 2.100MHz dành cho công nghệ 3G có băng thông lớn dùng cho tải dữ liệu. Về vấn đề băng tần, cả 4 DN MobiFone, Vinaphone, Viettel, Vietnamobile đều cấp phép cung cấp dịch vụ 2G tại dải băng tần 900MHz, Gmobile cung cấp ở dải băng tần 1.800MHz. Điểm khác biệt cơ bản giữa hai loại băng tần này là ở tần số 900MHz thấp, có vùng phủ rộng; còn tần số 1.800MHz cao, lại có phủ hẹp và sâu. Cho nên chi phí cho xây dựng mạng lưới (dựng trạm thu phát sóng BTS) của DN ở dải băng tần 900MHz thấp hơn hoặc nói một cách khác là đầu tư mạng lưới của DN có băng tần 1.800MHz có thể gấp tới 3 lần so với các DN khác. Cũng từ đó có thể hiểu việc cung cấp dịch vụ 3G được khai thác ở dải băng tần cao 2.100MHz cho thấy, để dựng được mạng 3G các DN đã phải đầu tư rất lớn (ước hiện DN đã đầu tư gần 3 tỷ USD cho mạng lưới). Để phổ cập dịch vụ tới người dân, ban đầu các nhà mạng đã đua nhau giảm giá ở mức bình dân để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, so với tổng đầu tư cho mạng lưới, dù lượng thuê bao 3G có tăng nhanh nhưng giá dịch vụ 3G tại Việt Nam thuộc nhóm giá thấp và bán dưới giá thành. Thực tế cuối năm 2013 sau khi tăng giá dịch vụ này đã vấp phải phản ứng mạnh trong dư luận.
Ngay sau khi hai tập đoàn lớn có kiến nghị về vấn đề này thì việc triển khai 3G trên băng tần của 2G đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Các chuyên gia trong và ngoài nước đã ủng hộ việc cơ quan quản lý nhà nước cho phép DN thử nghiệm dịch vụ 3G ở tần số 900MHz để mở rộng vùng phủ sóng 3G và đưa dịch vụ này đến gần với người dân, đặc biệt là người dân nông thôn. Theo lãnh đạo Tập đoàn VNPT, đơn vị đã thử nghiệm ở một số địa phương Hà Nội, Đà Nẵng, Thái Nguyên có kết quả tốt. Cụ thể, số lượng thuê bao có máy đầu cuối băng tần 900MHz là khá nhiều, các tiêu chí về kỹ thuật, chất lượng tốt, đặc biệt là việc mở rộng diện phủ sóng, chi phí đầu tư cũng ít hơn…
Từ kết quả này của VNPT, lãnh đạo Bộ TT-TT đã yêu cầu Cục Viễn thông hướng dẫn DN triển khai cung cấp dịch vụ 3G diện rộng trên băng tần mới (900MHz) để tối ưu hóa tài nguyên tần số. Như vậy, có thể hy vọng việc triển khai này sớm được nhà mạng mở rộng để cung cấp cho khách hàng dịch vụ 3G có chất lượng tốt hơn, với giá phù hợp với thu nhập của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.