(HNM) - Hà Nội là đất trăm nghề với những thương hiệu đã được định danh trên bản đồ làng nghề cả nước. Những đóng góp của làng nghề vào phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội, nhất là khu vực nông thôn ngày càng lớn, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân vùng ngoại thành Thủ đô.
Với mật độ khá dày, Hà Nội hiện có 308 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận. Tuy nhiên, nhiều làng nghề phát triển chưa xứng tầm bởi còn đối mặt rất nhiều khó khăn. Không ít làng nghề phát triển tự phát tồn tại đã lâu, cơ sở hạ tầng xuống cấp, nằm xen kẽ trong khu dân cư; hệ thống thu gom, xử lý nước thải không đầy đủ… đã gây ô nhiễm môi trường cả về nguồn nước, không khí, tiếng ồn… Vấn đề đặt ra là trong suốt thời gian dài, việc đánh giá tác động môi trường chưa được quan tâm đúng mức nên đã kìm hãm và khiến làng nghề phát triển kém bền vững. Thực tế này cũng khiến chất lượng sống của người làm nghề không bảo đảm; sản phẩm làng nghề không xây dựng được thương hiệu, giảm sức hấp dẫn với người tiêu dùng, nhất là với khách nước ngoài.
Những năm qua, thành phố Hà Nội đã rất chú trọng khắc phục những vấn đề tồn tại để làng nghề phát triển, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy vậy, trước những đòi hỏi thực tiễn hiện nay, ngày 4-12, với tỷ lệ 93,07% đại biểu tán thành, kỳ họp thứ mười một, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội. Theo đó, trong giai đoạn 2019-2025, thành phố sẽ hỗ trợ đánh giá tác động môi trường cho 233 làng nghề đã được công nhận có nghề thuộc danh mục ngành nghề phải thực hiện đánh giá tác động môi trường. Thành phố cũng sẽ hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho 60 làng nghề…
Như vậy, đây là một thông điệp rõ ràng, một thông tin đáng mừng cho hàng trăm làng nghề ở Thủ đô có cơ hội vươn lên tầm cao mới. Trong đó, việc đánh giá tác động môi trường sẽ là bộ khung để các làng nghề có định hướng, giải pháp bảo vệ môi trường sống và làm việc, là yếu tố góp phần bảo đảm làng nghề phát triển lâu dài, bền vững.
Với ý nghĩa quan trọng đó, Nghị quyết càng được triển khai sớm vào cuộc sống càng tăng thêm giá trị cho làng nghề. Định hướng đã rõ nét, chính quyền mỗi địa phương có làng nghề cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, hướng dẫn, tuyên truyền để người làm nghề hiểu giá trị của việc thành phố hỗ trợ trong đánh giá tác động môi trường cũng như việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể… Từ đó, mỗi cá nhân tự giác trong việc giữ gìn môi trường xanh, sạch, an toàn ngay từ chính cơ sở sản xuất của mình.
Trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, thành phố vẫn dành nguồn kinh phí nhất định để đầu tư cho làng nghề. Do đó, nhất thiết nguồn kinh phí hỗ trợ này phải được đầu tư hiệu quả, đúng mục tiêu. Đây là trách nhiệm của các cấp chính quyền, của mỗi làng nghề và bản thân người làm nghề để nguồn hỗ trợ này thật sự hữu ích trong thực tế.
Đặc biệt, quá trình hỗ trợ, phát triển cần bảo đảm giữ gìn được hồn cốt văn hóa, truyền thống của mỗi làng nghề. Việc này nếu làm tốt sẽ giúp có những sản phẩm làng nghề đặc trưng, góp phần phát triển kinh tế du lịch của Thủ đô. Những mô hình này sẽ trở thành những hình mẫu để nhân rộng ra các làng nghề khác trên địa bàn thành phố.
Nghị quyết được thông qua cũng cho thấy quan điểm phát triển làng nghề của thành phố là hướng đến sự đầu tư bài bản, thật sự hữu ích, vì sự phát triển bền vững. Do đó, các cấp, ngành chức năng thành phố cần thực hiện quy hoạch phát triển làng nghề trên nguyên tắc hài hòa giữa văn hóa - kinh tế và bảo vệ môi trường, qua đó, khẳng định, nâng tầm giá trị truyền thống của vùng đất trăm nghề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.