(HNMO) - Sáng 30-5, Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội đã giám sát về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Phú Xuyên.
Thông qua giám sát, nhiều đại biểu HĐND thành phố đề xuất, Nhà nước cần tính đến phát triển kinh tế tuần hoàn, lấy rác là tài nguyên để tái chế, không nên để rác là gánh nặng cho xã hội; nên chọn đầu tư công nghệ xử lý rác thải hiện đại, để người dân không “sợ, e ngại” việc đặt nhà máy xử lý rác tại địa phương…
Theo báo cáo của huyện Phú Xuyên, việc triển khai dự án xử lý rác thải trên địa bàn huyện gặp khó khăn. Trong đó, với dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại thôn Lễ Thượng (xã Châu Can), UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 95/QĐ-UBND ngày 6-1-2023 về việc dừng thực hiện và chấm dứt chủ trương đầu tư do nhà đầu tư không đủ năng lực.
Hiện tại, trên địa bàn huyện Phú Xuyên có 2 đơn vị trúng thầu, duy trì vệ sinh môi trường là Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long; Công ty cổ phần môi trường và Công trình đô thị Nam Thăng Long. Tại 27 xã, thị trấn của huyện, đang tổ chức thu gom với tần suất từ 2 đến 7 ngày/tuần và vận chuyển đến khu xử lý rác của thành phố (tại xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây) hằng ngày, chưa đáp ứng thực tế phát sinh rác tại các xã, thị trấn có mật độ dân cư tập trung đông.
Cùng với đó, sự cố ách tắc rác thải về khu xử lý tập trung của thành phố thường xảy ra, làm ảnh hưởng đến hoạt động thu gom, vận chuyển. Chưa kể, Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long còn chậm lịch trình, chưa thu gom hết chân rác tại một số khu dân cư. Ý thức của một bộ phận dân cư, nhất là các hộ kinh doanh mặt đường, khu vực họp chợ chưa cao nên tình trạng đổ rác bừa bãi còn diễn ra.
Ngoài ra, nguồn thu từ dịch vụ vệ sinh môi trường và hợp đồng thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường được sử dụng để cân đối một phần cho công tác thu gom rác ngõ xóm còn thấp so với kế hoạch, mới đạt khoảng 25%.
Chia sẻ với huyện Phú Xuyên về những khó khăn, bất cập trong thu gom, vận chuyển rác thải, các đại biểu HĐND thành phố: Đoàn Việt Cường, Nguyễn Thị Bích Thủy, Nguyễn Minh Tuân… đã trao đổi, làm rõ các vấn đề quan tâm như: Công tác thu gom rác trong ngày đã bảo đảm ở địa phương chưa? Còn việc tồn đọng tại địa phương và xử lý vi phạm đổ trộm rác thải, đốt rác như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, cần tính đến phát triển kinh tế tuần hoàn, lấy rác là tài nguyên để tái chế, không nên để rác là gánh nặng cho xã hội. Đại biểu đề xuất thời gian tới, thành phố nên chọn đầu tư công nghệ xử lý rác thải hiện đại, để người dân không “sợ, e ngại” việc đặt nhà máy xử lý rác tại địa phương; khuyến khích người dân phân loại rác hữu cơ tại gia đình; quan tâm điều chỉnh đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải hằng năm nhằm khuyến khích doanh nghiệp, đơn vị tham gia xử lý rác; xem xét, điều chỉnh bổ sung quy hoạch các nhà máy xử lý rác, trong đó có có Nhà máy xử lý rác ở xã Châu Can…
Phát biểu tại buổi giám sát, Trưởng ban Đô thị - HĐND thành phố Đàm Văn Huân đánh giá: Huyện Phú Xuyên có nhiều cố gắng trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải. Tuy nhiên, việc để rác 2 ngày mới vận chuyển là chưa bảo đảm theo kế hoạch thu gom rác trong ngày.
Thời gian tới, đồng chí Đàm Văn Huân đề nghị huyện Phú Xuyên tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định vệ sinh môi trương, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Trước mắt, việc thu rác trong ngày cần thực hiện theo kế hoạch; tiếp tục đẩy mạnh thu phí rác thải sinh hoạt; phối hợp với các sở, ngành tháo gỡ khó khăn, giải quyết cho các nhà thầu trong định mức, đơn giá. Đặc biệt, đối với Nhà máy xử lý rác thải xã Châu Can, hiện tại thành phố mới tạm dừng, vì thế huyện cần sớm đề xuất đầu tư, công nghệ phù hợp, đáp ứng yêu cầu.
Cũng theo đồng chí Đàm Văn Huân, mỗi địa phương cần sớm thực hiện việc phân loại rác tại gia đình, vì phân loại rác tại nguồn tốt là cơ sở để đưa ra quyết định đầu tư công nghệ, quy trình, định mức cụ thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.