Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư - bài học từ Vinashin

Nguyễn Triều| 21/11/2010 05:19

(HNM) - Một trong những bài học, hay cũng có thể coi là kinh nghiệm lớn nhất từ


Tại kỳ họp Quốc hội lần này và trong nhiều cuộc hội thảo nhiều ý kiến cho rằng Vinashin đổ vỡ không chỉ do quản lý lỏng lẻo, mà trước hết là do tham vọng quá lớn mà trình độ điều hành không đủ. Cứ có tiền là đầu tư mà chưa đủ kiến thức, kinh nghiệm để biết đầu tư thế nào cho hiệu quả nhất. Nhiều chuyên gia cho rằng sự nóng vội, khao khát sau một đêm tỉnh dậy trở thành khổng lồ của lãnh đạo Vinashin, được khuyến khích bởi nền tảng vững vàng là tiềm lực kinh tế đang lên của cả nước và niềm tin chắc chắn là trách nhiệm đã có Chính phủ lo, là nguyên nhân chính dẫn đến những khoản đầu tư khổng lồ, thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn món nợ của Vinashin...

Vinashin như một kiểu đột phá trong đầu tư phát triển. Và nó đã không thành công vì quá nhanh, quá mạnh, quá vội. Quy luật tự nhiên cũng như xã hội cho thấy là không thể đốt cháy giai đoạn, mà chỉ có thể chuyển từ dạng này sang dạng khác. Đốt cháy là không thể, nhưng đầu tư theo kiểu "từng bước, từng bước" cũng không mang lại hiệu quả như mong muốn. Hiện tại có 3 cách đầu tư:

1. Chạy theo tình thế (thị trường cần gì tất
cả cùng đổ xô vào đầu tư như mía đường, xi măng hay thép)...
2. Đầu tư dàn trải (cái gì cũng có, địa phương nào cũng có, kết quả cái gì cũng có nhưng hiệu quả không mang lại bao nhiêu).
3. Thiếu cơ bản, lâu dài (hiện đang quá tập trung vào dịch vụ, gia công mà ít chú trọng tới những ngành nền tảng, như sản xuất thiết bị, động cơ, máy móc, những cơ sở để có thể cho ra đời những sản phẩm Việt Nam sản xuất chứ không chỉ "sản xuất tại Việt Nam")...

Vinashin quá nóng vội. Nhưng cách đầu tư vào xi măng, thép như đang thực hiện thì quá "mì ăn liền", hết sức dàn trải với thiết bị, công nghệ lạc hậu. Và hệ lụy đến nay vẫn chưa thể cân đong, đo đếm.

Giữa hai thái cực đầu tư "đốt cháy" và "bước một" ấy không phải chúng ta không có những kinh nghiệm đầu tư khác với những thành công không chỉ cả nước đều thấy mà thế giới cũng công nhận. Đầu tư hiện đại hóa nhanh, mạnh, theo ngay tầm châu lục chứ không chỉ khu vực. Những bước tiến của ngành điện tử - viễn thông phải nói là nhảy vọt đến kinh ngạc. Về địa phương, dẫn đầu thành công trong đầu tư phát triển là tỉnh Bình Dương. Đó là những sự thật ai cũng biết. Vậy mà sao những ví dụ điển hình đó chưa được nhân rộng, phát huy?

Vinashin không chỉ là kinh nghiệm thất bại.

Nó là bài học xương máu để nhìn nhận lại chiến lược đầu tư, cấp nhà nước cũng như quy mô ngành, tỉnh.

Phê phán Vinashin là điều cần thiết nhưng cần thiết hơn để từ đó hình thành một chiến lược đầu tư sao cho thêm nhiều những ngành đã thực hiện hiệu quả như điện tử - viễn thông và bớt đi những cung cách từa tựa xi măng, thép hiện tại; có thêm nhiều những Bình Dương và bớt đi những địa phương tới giờ vẫn sống nhờ ngân sách nhà nước.

Nếu gọi là kinh nghiệm thì đó chính là bài học tốt nhất rút ra từ Vinashin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư - bài học từ Vinashin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.