(HNM) - Âm thầm như những cơn
Ảnh minh họa |
Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) 197 thành phố cho biết, trên địa bàn thành phố hiện còn 17 điểm, tụ điểm mại dâm, trong đó có 7 tụ điểm mại dâm công cộng, 10 tụ điểm trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT. Dù vẫn được kiểm soát, nhưng từ đầu tháng 3 đến nay, tệ nạn này có dấu hiệu hoạt động "nóng" trở lại. Về cơ bản không còn các tụ điểm mại dâm lớn, công khai, phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân, nhưng tội phạm, tệ nạn mại dâm vẫn là cơn “sóng ngầm” chưa được ngăn chặn.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2016, CA các cấp đã phát hiện, bắt 103 ổ mại dâm, 415 đối tượng, trong đó xử lý hình sự 89 vụ, 98 đối tượng chứa chấp, tổ chức, môi giới hoạt động mại dâm. Đội liên ngành 178 của thành phố đã tổ chức kiểm tra 239 cơ sở kinh doanh có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, phạt hành chính 19 cơ sở. Nhưng đây mới chỉ là con số nhỏ, chưa phản ánh đúng mức độ phức tạp của tội phạm, tệ nạn này...
Trên thực tế, loại tội phạm, tệ nạn này không ngừng "biến hình”. Thượng tá Lê Huy, Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP cho biết, bên cạnh những hình thức cũ như mại dâm nơi công cộng, trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện thì một số loại hình mại dâm mới có chiều hướng gia tăng như hình thức "gái gọi"... Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng và thông qua các trang mạng xã hội hoặc các đối tượng môi giới là thành viên các trang web đen để quảng cáo, liên hệ mua bán dâm. Mại dâm đồng tính nam cũng có dấu hiệu phức tạp tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, Thiền Quang hoặc tại một số cơ sở mát xa trá hình ngay ở các quận nội thành...
Trước tình hình trên, cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng ngừa. Cùng với sự vào cuộc của cơ quan CA còn có sự tham gia khá tích cực của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Sở đã chủ động tham mưu cho UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo trong công tác phòng chống mại dâm. Đơn vị này đã tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng của 59 phường thuộc các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và đề nghị các đơn vị đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm quản lý người bán dâm trên địa bàn; tổ chức khảo sát định kỳ một buổi/tuần đối với tụ điểm mại dâm công cộng khu vực ven sông Tô Lịch... Những nỗ lực này là chưa đủ bởi theo dự báo, tệ nạn sẽ ngày càng diễn biến phức tạp, đối tượng đấu tranh sẽ đa dạng, hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn. Vì vậy, công tác đấu tranh với tệ nạn này đòi hỏi sự nỗ lực cao của các ngành, các cấp…
Trước tình hình trên, để thống nhất trong chỉ đạo và phối hợp, BCĐ 197 thành phố đã yêu cầu các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm tại các địa bàn trọng điểm, nhất là những địa bàn phức tạp về ANTT, trong đó có tệ nạn mại dâm. Bên cạnh đó, một biện pháp sẽ được các cơ quan chức năng, đặc biệt cơ quan CA cần đẩy mạnh là nắm tình hình tội phạm, tệ nạn mại dâm qua kênh thông tin từ quần chúng nhân dân, cơ quan báo chí. Từ đó, cơ quan CA cam kết phối hợp cùng các cơ quan tố tụng điều tra, xử lý triệt để các ổ, nhóm, tụ điểm, đường dây hoạt động mại dâm, đưa ra xét xử để răn đe...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.