(HNM) - Chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2015 mà Quốc hội đã ấn định đang gây cho các nhà hoạch định chính sách ít nhiều lo lắng. Và có lẽ một lần nữa, khai thác dầu thô lại được sử dụng như công cụ để bảo đảm tăng trưởng?
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tỏ ra không mấy tin tưởng kinh tế cả năm nay sẽ đạt mức tăng trưởng 6,2% nếu không khai thác thêm dầu. Lo ngại này cũng được người đứng đầu một số ngành khác chia sẻ, nếu tiếp tục giữ sản lượng khai thác theo kế hoạch, chắc chắn sẽ ảnh hưởng mục tiêu tăng trưởng năm nay. Bởi, mức tăng 6,2% được tính toán hồi tháng 9-2014 khi phải khai thác được 14,74 triệu tấn dầu thô với giá 100 USD/thùng. Nay giá dầu thô giảm và Tập đoàn Dầu khí quốc gia được chỉ đạo khai thác thêm hơn 1 triệu tấn so với kế hoạch cũ. Đến đây, một câu hỏi được đặt ra là tại sao các nhà hoạch định chính sách lại không mấy tin tưởng với mức tăng trưởng của nửa cuối năm 2015?
Được biết, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay đạt 6,28% - mức cao nhất từ năm 2011 trở lại đây, với hai khu vực tăng mạnh, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng GDP nửa đầu năm. Thứ nhất, khu vực chế biến chế tạo, tăng hơn 9% so với 6 tháng cùng kỳ. Thứ hai, khai thác dầu khí được 8,3 triệu tấn (tăng 11% so với cùng kỳ năm trước), giá bán trên thị trường bình quân là 60 USD/thùng đóng góp nhiều vào tăng trưởng GDP đầu năm.
Tuy nhiên, chưa bao giờ sản lượng và giá sản phẩm nông nghiệp giảm mạnh như gần đây. Nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 2,36% trong nửa đầu năm nay, giảm mạnh so với mức tăng 2,9% của cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng hạn hán đang diễn ra trên diện rộng, cùng với đó là nhiều mặt hàng nông, thủy sản không xuất khẩu được...
Cũng trong 6 tháng, nhập siêu ước tính 3,7 tỷ USD, tương đương 4,8% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, gần chạm ngưỡng chỉ tiêu 5% mà Quốc hội đặt ra. Nếu nhập siêu vượt quá sẽ tạo thêm rủi ro làm mất cân bằng cán cân thanh toán, gây áp lực lớn hơn lên tỷ giá. Đã vậy, hàng loạt những nghịch lý tăng trưởng khác, như CPI thấp mà lãi suất các khoản vay vẫn cao, nhiều doanh nghiệp phá sản, số lượng việc làm mới không tăng… Từ thực tế này cho thấy dầu thô đã góp phần "cứu" tăng trưởng.
Không ít chuyên gia băn khoăn rằng, liệu những nỗ lực cải cách thể chế có thực sự tạo dấu ấn lên tăng trưởng? Câu trả lời không khó khi có nhiều bộ, ngành, nhiều địa phương chưa có kế hoạch hành động theo yêu cầu tại Nghị quyết 19 của Chính phủ. Vì thế, các nhà hoạch định chính sách lo lắng năm nay khó đạt được mức tăng trưởng như kế hoạch đã đề ra là hoàn toàn có cơ sở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.