Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dâu tằm chín mọng bên bờ sông Đáy

Nguyễn Mai| 06/04/2023 11:47

(NSHN) - Đầu tháng 4, những vườn dâu tằm ven sông Đáy tại xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ) chín rộ. Đây cũng là lúc các gia đình trong xã tập trung nhân lực thu hoạch quả chín. Vụ dâu năm nay, thời tiết bất lợi, nên năng suất thấp hơn so với mọi năm. Tuy vậy, mỗi ngày, vùng dâu bên dòng sông Đáy này cũng đưa ra thị trường vài tấn quả tươi.

Làm chơi, ăn thật…

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Thuận Nguyễn Văn Tuấn phấn khởi cho biết, là vùng đất bãi ven sông Đáy, từ xa xưa, người dân Hiệp Thuận đã gắn bó với cây dâu và nghề nuôi tằm. Vẫn là cây dâu, nhưng khoảng 17 năm nay, các hộ chuyển sang trồng giống lấy quả. Đến nay, cả xã có 6ha dâu tằm với khoảng 60 hộ trồng, tập trung chủ yếu ở các thôn Hiệp Thuận 1, 2, 3. Trung bình mỗi hộ có từ 1 đến 3 sào dâu.

Những ngày này, chị Trần Thị Thơm, ở xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) ngày nào cũng mang xe ô tô tải, chờ sẵn ở tuyến đường trục chính khu vực bãi ven Đáy, xã Hiệp Thuận để thu mua dâu tươi. Chị Thơm mua dâu về bán lại cho một doanh nghiệp làm rượu hoa quả. “Vụ dâu này tôi đã thu mua được 10 ngày. Mỗi ngày gom được từ 2 đến 3 tấn quả, với giá từ 12.000 đến 15.000 đồng/kg", chị Thơm chia sẻ.

Gia đình bà Đỗ Thị Sản, thôn Hiệp Thuận 3, có 2 sào trồng dâu. Thời gian này, ngày nào gia đình cũng thu hoạch quả chín.

Còn theo bà Đỗ Thị Sản, ở thôn Hiệp Thuận 3, gia đình bà có 2 sào dâu trồng từ hơn 10 năm trước, nên gốc khá to. Vườn dâu của gia đình bà Sản bắt đầu chín từ 15 ngày trước. Từ đó đến nay, ngày nào 2 vợ chồng bà cũng ra ruộng thu hoạch. “Nhà tôi đã bán được 1,5 tấn dâu. Dự kiến vườn dâu của gia đình tôi cho thu hoạch thêm khoảng 30 ngày nữa. Với giá dâu như hiện nay, ước tính 2 sào dâu cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng”.

Chia sẻ về nghề trồng dâu, anh Đỗ Đình Thắng, ở thôn 8, xã Hiệp Thuận cho hay, trồng dâu không khó và không mất nhiều công chăm sóc. Cây dâu tằm ra hoa vào tháng Chạp, thu hoạch chính vụ từ tháng 3 đến tháng 5. Nếu thời tiết thuận, ít mưa, nắng nhiều, dâu ít nấm bệnh, quả rất ngọt. Người trồng dâu chỉ bận rộn vào mùa thu quả. Sau khi hết vụ (từ tháng 5 trở ra), các hộ đốn hết cành rồi để cây tự sinh trưởng. Đến cuối năm, họ mới ra ruộng bón thúc để cây ra lộc, ra hoa đón vụ mới. 

Cây dâu tằm ra hoa vào tháng Chạp, thu hoạch chính vụ từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Thuận Nguyễn Văn Tuấn, mỗi ngày, xã Hiệp Thuận cung cấp ra thị trường khoảng 8 tấn quả dâu. Vào ngày dâu chín rộ, có thể lên đến hơn 10 tấn. Giá dâu bán tại ruộng, loại 1 là 15.000 đồng/kg; loại 2 là 12.000 đồng/kg. Trồng dâu mang lại hiệu quả kinh tế hơn nhiều so với trồng ngô, lúa...

Mong có liên kết trong sản xuất - tiêu thụ

Với ưu điểm vị ngọt, mát, giàu vitamin, quả dâu tằm được người tiêu dùng rất ưa chuộng, mua về ngâm đường, làm nước uống giải nhiệt mùa hè. Một số doanh nghiệp cũng đã dùng dâu tằm để ngâm rượu, làm si rô hoặc sản xuất nước giải khát..., nên việc tiêu thụ tương đối thuận lợi.

Hiện mỗi ngày, người dân xã Hiệp Thuận cung cấp ra thị trường khoảng 8 tấn quả dâu.

Tuy vậy, đặc tính cây dâu khi chín cần thu hoạch nhanh, nếu không sẽ chín quá và rụng. Vì vậy, các chủ vườn phải tranh thủ từng ngày để hái dâu. Cũng bởi đây là loại trái cây tươi, khó bảo quản, nên sau khi thu hái cần được tiêu thụ ngay để bảo đảm chất lượng tốt nhất.

Hiện tại, các hộ trồng dâu ở Hiệp Thuận vẫn chỉ bán dâu ngay tại đầu bờ, giá dâu cũng mỗi ngày một giá, không ổn định. Người trồng dâu mong muốn có mô hình hợp tác liên kết với các đơn vị thu mua để đầu ra ổn định.

Thương lái về Hiệp Thuận thu mua dâu ngay tại ruộng cho người dân.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Thuận Nguyễn Văn Tuấn, Hiệp Thuận đang hình thành vùng sản xuất chuyên canh, tập trung vào các loại cây ăn quả, nhưng đầu ra đang gặp khó khăn. Người dân và chính quyền địa phương mong muốn được huyện và thành phố quan tâm hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; giới thiệu để các doanh nghiệp về địa phương xây dựng chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm. 

Xã Hiệp Thuận mong muốn xây dựng chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm cho cây dâu và các loại cây ăn quả khác trên địa bàn, hướng tới khai thác lợi thế phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm nông nghiệp.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Tâm, Chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận, xã Hiệp Thuận nằm ở vị trí tiếp giáp với 7 xã của 3 huyện: Hoài Đức, Đan Phượng và Thạch Thất, có hệ thống giao thông thuận tiện. Xã cũng nằm trong quy hoạch là vành đai xanh của thành phố, nên định hình sẽ phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch trải nghiệm. 180ha đất nông nghiệp ven sông Đáy đã và đang được chuyển sang trồng cây ăn quả, như: Bưởi đường Hiệp Thuận, bưởi Diễn, ổi Đài Loan, táo đại, dâu tằm và rau sạch… mở ra hướng đi mới, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dâu tằm chín mọng bên bờ sông Đáy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.