(HNM) - Cách đây 45 năm, ngày 27-1-1973,
Cuộc đấu trí, đấu chiến lược và bản lĩnh ngoại giao
Đã hơn 4 thập kỷ qua đi nhưng với ông Nguyễn Khắc Huỳnh, một thành viên của Đoàn đàm phán Hiệp định Paris, thì cảm xúc ngày nào vẫn còn nguyên vẹn. Nhớ lại kỷ niệm này, nhà ngoại giao 90 tuổi hào hứng kể: Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đi vào cuộc chiến tranh lớn, với kẻ thù hùng mạnh, chúng ta sớm xác định đến một lúc nào đó sẽ thực hiện vừa đánh vừa đàm; có thời cơ thì dùng đàm phán kết thúc chiến tranh, khi cần thì trải thảm đỏ để địch rút ra. Vì vậy, từ năm 1968, ta đã bắt đầu đấu tranh song song hai mặt trận quân sự và ngoại giao. Tháng 5-1968, Đoàn đàm phán Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gặp nhau lần đầu tiên tại thủ đô Paris (Pháp), mở đầu cuộc thương lượng kéo dài 4 năm 8 tháng 14 ngày. Khoảng thời gian kỷ lục này cho thấy, đây thực sự là một cuộc đấu trí, đấu chiến lược, chiến thuật và bản lĩnh ngoại giao.
Ngay từ việc lựa chọn địa điểm đàm phán cũng được cân nhắc rất kỹ lưỡng. Ban đầu, phía Mỹ đề nghị chọn Viêng Chăn (Lào), Tokyo (Nhật Bản), Bangkok (Thái Lan) rồi đến một loạt địa điểm khác tại Châu Âu, còn phía ta thì chọn Phnom Penh (Campuchia), Vácxava (Ba Lan) nhưng không thống nhất được với nhau trong suốt một tháng. Sau đó, ta đề nghị địa điểm tại Paris và ngay lập tức Mỹ chấp thuận. Việc chọn Paris để tổ chức hội nghị đã đem lại cho chúng ta nhiều thuận lợi, bởi đây là trung tâm báo chí, dư luận của Châu Âu và cũng là một trong những địa danh có làn sóng đấu tranh mạnh mẽ lên án cuộc chiến xâm lược Việt Nam của Mỹ.
“Đàm phán Paris là cuộc đối đầu căng thẳng giữa nền ngoại giao của ta chủ yếu dựa trên tính nhân văn, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và nền ngoại giao chuyên nghiệp, đầy kinh nghiệm của cường quốc lớn nhất thế giới như Mỹ”, ông Nguyễn Khắc Huỳnh kể. Thời điểm đó, ông được giao nhiệm vụ chuyên thu thập dữ liệu về các hành động tội ác của Mỹ, giúp cho lập luận của ta trở nên mạnh mẽ hơn trên bàn đàm phán. Các thành viên trong Đoàn cũng liên tục tìm kiếm, nghiên cứu tài liệu về các hình mẫu đàm phán quốc tế để làm kinh nghiệm.
Suốt từ năm 1968 đến đầu năm 1972, hàng loạt cuộc gặp gỡ đã diễn ra nhưng những bất đồng vẫn không được hóa giải. Đến năm 1972, khi đi vào đàm phán thực chất, suốt mấy tháng liền Mỹ vẫn không chịu thảo luận các vấn đề chính trị bởi họ muốn giữ nguyên chế độ Việt Nam Cộng hòa. “Trước tình hình thay đổi, thế trận và lực lượng của ta tốt lên, Trung ương Đảng họp và nhận thấy thời cơ xuất hiện, cần tháo gỡ bế tắc nên đã chỉ thị cho Đoàn đàm phán ở Paris tranh thủ chấm dứt chiến tranh trước bầu cử Mỹ vào tháng 11-1972” - ông Nguyễn Khắc Huỳnh hồi tưởng lại.
Vì vậy, chúng ta chủ trương tạm gác vấn đề chính trị khó thỏa thuận mà tập trung giải quyết các vấn đề quân sự để đạt mục tiêu cao nhất là Mỹ chấp nhận rút quân và chấm dứt chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Bản dự thảo hiệp định được phía ta soạn thảo và đưa ra ngày 8-10-1972 với 3 nội dung chính là Mỹ rút quân, thả tù binh và đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh. Ông Nguyễn Khắc Huỳnh cho biết: “Sau khi đọc nội dung dự thảo, phía Mỹ đã kéo ra vườn hội ý. Tôi từ phòng họp tầng 2 nhìn ra, thấy đoàn Mỹ tỏ ra hồ hởi. Cũng nhờ sách lược lớn của ta mà hai bên hoàn thành cơ bản dự thảo văn bản Hiệp định".
Sức mạnh của phong trào đoàn kết quốc tế
Không chỉ là đỉnh cao của nghệ thuật ngoại giao, Hiệp định Paris còn được nhìn nhận là tổng hòa các thắng lợi trên chiến trường, của công tác đấu tranh nhân dân và sự ủng hộ của các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Theo ông Nguyễn Khắc Huỳnh, chúng ta đã hình thành được mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, tranh thủ được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào cánh tả trên thế giới, phong trào không liên kết, phong trào phản chiến của binh lính Mỹ... Trong đó, không thể không kể đến những người bạn Pháp, công khai và thầm lặng, với nhiều hình thức và hành động cụ thể, đã cùng góp nên thành công của Hiệp định Paris.
“Việt Nam đã nhận được sự hậu thuẫn rất lớn khi đến đàm phán tại Paris. Một mặt, Chính phủ Pháp bảo đảm mọi điều kiện cần thiết về an ninh, giao thông, hậu cần cho các cuộc đối thoại, giữ một thái độ trung lập khách quan đúng với vai trò của một nước trung gian. Mặt khác, Đảng Cộng sản Pháp - khi đó là một lực lượng chính trị mạnh trên chính trường - đã dành sự ủng hộ đặc biệt cho chúng ta”, ông Nguyễn Khắc Huỳnh xúc động nói. Do chiến tranh kéo dài, tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, trong khi chi phí khách sạn cho Đoàn đàm phán của ta tại Paris lại rất lớn. Trước tình thế ấy, Đảng Cộng sản Pháp đã không ngần ngại cho Việt Nam mượn Trường Đào tạo cán bộ của Đảng tại Choisy-le-Roi để ở và làm việc ròng rã từ tháng 5-1968 cho đến tháng 3-1973.
Bên cạnh sự giúp đỡ về hậu cần, Báo Nhân đạo (L'Humanité), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp, cũng dành cho Việt Nam sự ủng hộ không điều kiện. Trong suốt quá trình đàm phán diễn ra, báo đã tạo ra một diễn đàn thực sự cho các nhà đàm phán Việt Nam bằng việc đăng tải các tuyên bố của phía ta hằng tuần. Ngoài ra, việc gửi các bản tuyên bố, khiếu nại tới Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Mỹ, huy động sự ủng hộ quốc tế cũng được Đảng Cộng sản Pháp tích cực triển khai. Một trong những sự kiện có ý nghĩa quan trọng là hội nghị tập hợp 27 đảng cộng sản và công nhân thế giới tại trụ sở Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp ngày 27-7-1972 để ủng hộ Việt Nam và yêu cầu Mỹ phải đàm phán nghiêm túc. Những cuộc tuần hành do Đảng Cộng sản Pháp kêu gọi cũng đã tạo ra sức ép không nhỏ đối với Đoàn đàm phán Mỹ ở Paris. Tại Pháp vào thời điểm đó, có tới 52 tổ chức thường xuyên tiến hành biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam.
“Cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam giai đoạn này đã vượt lên trở thành tiếng nói của chính nghĩa, vì lương tri, phẩm giá của con người, có giá trị thức tỉnh nhân loại tiến bộ”, ông Nguyễn Khắc Huỳnh nói. Điều này có ý nghĩa to lớn khiến Mỹ phải đặt bút ký vào Hiệp định Paris, một dấu son lịch sử thể hiện đầy đủ sự lãnh đạo tài tình của Đảng và trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.