Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu mốc lịch sử của cộng đồng người Việt

Tuấn Minh| 07/07/2013 06:26

(HNM) - Cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa (CH) Séc vừa đón nhận niềm vui lớn khi Chính phủ nước này chính thức công nhận người Việt Nam là dân tộc thiểu số thứ 14 tại quốc gia Trung Âu.

Quyết định trên được đưa ra theo đề nghị của Ngoại trưởng Karel Schwarzenberg, Chủ tịch Hội đồng dân tộc thiểu số của Chính phủ gồm 32 thành viên. Theo đó Việt Nam và Belarus là hai dân tộc thiểu số mới nhất được công nhận tại Séc.

Việc được công nhận là dân tộc thiểu số sẽ giúp cộng đồng người Việt tại Séc có điều kiện hơn để giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.


Cộng đồng người Việt Nam tại Séc là cộng đồng người nước ngoài có số lượng đông thứ ba, sau người Ukraine và Slovakia. Theo các số liệu thống kê mới đây, hiện có khoảng 65.000 người Việt Nam sinh sống hợp pháp tại Séc. Với tinh thần tương thân tương ái, cộng đồng người Việt đã ngày càng gắn bó qua những hoạt động của Hội Người Việt Nam tại CH Séc. Được thành lập từ năm 1999 nhằm xây dựng mối quan hệ tương trợ đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên cộng đồng tại xứ người, Hội cũng đặt mục tiêu giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy mối quan hệ truyền thống giữa hai dân tộc Việt Nam - Séc là một ưu tiên. Sau hơn 10 năm hoạt động, đến nay Hội Người Việt Nam tại Séc đã có 26 hội thành viên và 44 chi hội ở hầu hết các địa phương trên toàn nước Séc. Với sự nhiệt tình của Chủ tịch Hoàng Đình Thắng, những năm qua Hội đã tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả và thiết thực đối với cộng đồng người Việt Nam tại Séc cũng như góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ truyền thống giữa hai nước.

Nhằm tạo chỗ đứng pháp lý vững chắc cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống hợp pháp lâu dài và ổn định, tạo sự bình đẳng với các dân tộc thiểu số khác tại Séc, thời gian qua Hội đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại CH Séc đệ đơn đề nghị Chính phủ nước này công nhận người Việt Nam là dân tộc thiểu số tại đây. Việc công nhận sẽ tạo ra nhiều cơ hội để cộng đồng người Việt ở Séc hội nhập sâu vào đời sống kinh tế - xã hội của nước sở tại.

Theo luật của Séc, dân tộc thiểu số được hình thành trên cơ sở những người có quốc tịch Séc hay dân tộc khác đang sống ở Séc, khác với các dân tộc khác về nguồn gốc sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống và đại diện cho một thiểu số đông đảo. Luật cũng đề cập tới việc dân tộc đề nghị công nhận có một lịch sử hình thành. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại CH Séc Đỗ Xuân Đông cho biết, tất cả các điều kiện trên cộng đồng người Việt đều đáp ứng. Không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của nước sở tại, cộng đồng người Việt Nam tại Séc còn là cầu nối thắt chặt mối quan hệ giữa nhân dân hai nước, góp phần mở rộng quan hệ ngoại giao cũng như thương mại song phương. Cuối cùng mong muốn chính đáng của cộng đồng người Việt đã trở thành hiện thực.

Đón nhận tin vui này, Đại sứ Đỗ Xuân Đông chia sẻ: "Quyết định trên là một dấu mốc lịch sử đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và đặc biệt đối với cộng đồng người Việt Nam ở CH Séc nói riêng. Ý nghĩa lớn nhất từ quyết định của Chính phủ Séc là cộng đồng người Việt Nam sẽ được bình đẳng với các dân tộc khác đang sinh sống trên lãnh thổ CH Séc. Mặt khác, CH Séc là một thành viên của Liên minh Châu Âu (EU), do vậy những người trong dân tộc thiểu số của EU nói chung và CH Séc nói riêng sẽ được đầu tư bảo tồn văn hóa dân tộc của mình. Chúng ta có thể xây dựng các trung tâm văn hóa, thương mại; được quảng bá bằng tiếng Séc, tiếng Anh và tiếng Việt".

Kể từ nay, với tư cách là một trong 14 dân tộc thiểu số tại Séc, cộng đồng người Việt sẽ có điều kiện và được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Chính phủ nước sở tại để bảo tồn, phát triển về văn hóa, truyền thống và đặc biệt là ngôn ngữ của dân tộc mình. Tại các địa phương có nhiều người Việt Nam sinh sống, trẻ em có thể được học kiến thức bằng tiếng Việt. Quy chế này cũng bảo đảm cho người Việt Nam quyền sử dụng tiếng Việt tại công sở cũng như tòa án. Ngoài ra, cộng đồng người Việt Nam tại Séc có thể thành lập chương trình phát thanh và truyền hình bằng tiếng Việt... Ủy viên Hội đồng nhân quyền CH Séc Monika Simukova cho biết, khi trở thành một dân tộc của quốc gia Trung Âu, cộng đồng người Việt Nam sẽ có đại diện của mình tại Hội đồng của Chính phủ cho các dân tộc thiểu số, có quyền cố vấn cho Chính phủ Séc về các vấn đề liên quan đến dân tộc của mình. Trước đây, đại diện của cộng đồng người Việt Nam đã tham dự với tư cách khách mời, do ông Phạm Hữu Uyển thuộc Hội Công dân Văn Lang đại diện.

Là dân tộc thiểu số thứ 72 của Nga, thứ 56 tại Trung Quốc, sự kiện cộng đồng người Việt vừa chính thức trở thành dân tộc thứ 14 tại CH Séc đã khẳng định vai trò cũng như sự đóng góp tích cực của người Việt cho sự phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới. Sự công nhận này cũng là niềm vinh dự với người Việt khắp năm châu khi cho thấy rằng cộng đồng người Việt dù ở trong nước hay nước ngoài vẫn luôn thể hiện tinh thần hòa hiếu và bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời nỗ lực vươn lên không ngừng nhằm xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu mốc lịch sử của cộng đồng người Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.