Với chế độ ăn uống không hợp lý, cách chế biến thực phẩm không đúng, hay do có vấn đề về tiêu hóa... có thể dẫn đến sự thiếu hụt các vitamin và khoáng chất.
Hầu hết sự thiếu hụt này được giải quyết bằng việc điều chỉnh chế độ ăn uống hoặc ăn các thực phẩm giàu vitamin. Trong trường hợp chế độ ăn uống không đáp ứng được cần phải đi khám và có thể phải bổ sung bằng thuốc. Cần lưu ý, khi bổ sung bằng thuốc cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý dùng. Dưới đây là 5 dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu vitamin.
Bị chuột rút có thể là dấu hiệu cảnh báo thiếu magiê, canxi. (Ảnh minh họa) |
Các vết nứt ở góc miệng: Có thể do sự suy giảm sắt, kẽm, vitamin nhóm B như niacin (B3), riboflavin (B2), và vitamin B12. Sự thiếu hụt này phổ biến hơn ở những người ăn chay, ăn kiêng...
Cách khắc phục: Ăn nhiều thịt gia cầm, cá hồi, cá ngừ, trứng, sò, nghêu, cà chua, đậu phộng và các loại đậu như đậu lăng. Hấp thu sắt được tăng cường bởi vitamin C, do đó kết hợp ăn các loại thực phẩm trên với rau như bông cải xanh, ớt chuông đỏ, cải xoăn và súp lơ.
Đỏ hoặc ngứa ngáy trên mặt và rụng tóc: Đó là do sự suy giảm biotin (vitamin B7), còn được gọi là vitamin dành cho tóc. Việc ăn trứng sống dễ làm cho bạn bị thiếu hụt loại vitamin này vì protein trong trứng sống được gọi là avidin ức chế khả năng của cơ thể hấp thụ biotin.
Cách khắc phục: Cần ăn trứng nấu chín (khi nấu chín sẽ vô hiệu hóa avidin).
Có những nốt đỏ hoặc màu trắng như mụn trứng cá trên má, cánh tay, đùi và mông: Có thể đó là sự suy giảm axit béo thiết yếu và các vitamin A và D.
Cách khắc phục: Nên ăn cá hồi và cá mòi, các loại hạt như quả óc chó và quả hạnh nhân... Đối với vitamin A, cần bổ sung ăn các loại rau xanh như khoai lang hoặc rau có màu như cà rốt, ớt chuông đỏ. Với các loại rau này sẽ cung cấp beta caroten, một tiền chất của vitamin A, sau đó cơ thể sẽ sử dụng để tạo ra vitamin A.
Ngứa ran, nhói đau, tê ở bàn tay, bàn chân...: Các dấu hiệu trên có thể cho thấy cơ thể đang thiếu vitamin B như axit folic (B9), B6, và B12. Các dấu hiệu trên liên quan trực tiếp đến các dây thần kinh ngoại vi và thể hiện trên da với các triệu chứng trên. Lưu ý rằng, các triệu chứng này có thể được kết hợp với lo âu, trầm cảm, thiếu máu, mệt mỏi, mất cân bằng hormon.
Cách khắc phục: Hãy tìm ăn những rau như bina, măng tây, củ cải, đậu, trứng, bạch tuộc, sò, nghêu, gia cầm.
Chuột rút cơ bắp: Đó là dấu hiệu của sự thiếu hụt magiê, canxi và kali... Nếu xảy ra thường xuyên thì đây là một tín hiệu cảnh báo rằng cơ thể bạn đang thiếu các loại vitamin này.
Cách khắc phục: Ăn nhiều chuối, hạnh nhân, hạt dẻ, bí, anh đào, táo, bưởi, bông cải xanh, rau cải, rau lá xanh đậm như cải xoăn, rau bina và bồ công anh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.