Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đấu giá tần số 4G, 5G - cơ hội cho nhà mạng có tiềm lực

Việt Nga| 27/05/2023 07:15

(HNM) - Băng tần di động vốn được coi là “đầu vào” để nhà mạng cung cấp dịch vụ tới khách hàng. Vì vậy, việc Bộ Thông tin và Truyền thông công bố đấu giá để cấp phép băng tần 2.300-2.400MHz (dành cho 4G, 5G) được dư luận quan tâm. Việc đấu giá đang ở những vòng cuối cùng và được giữ bí mật, song các chuyên gia cho rằng những doanh nghiệp đủ tiềm lực kinh tế mới có cơ hội…

Kỹ sư Viettel nâng cấp trạm thu phát sóng 4G tại Hà Nội để phục vụ khách hàng tốt hơn. Ảnh: Đức Thọ

Từ năm 2017, các nhà mạng đã triển khai dịch vụ 4G rộng rãi trên toàn quốc, song ở thời điểm đó, do vướng một số quy định, nên việc cấp phép băng tần được quy hoạch cho 4G, 5G (2.300-2.400MHz) chưa thể thực hiện. Do vậy, tốc độ dịch vụ 4G cung cấp không được như mong muốn. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2021/ NĐ-CP ngày 1-10-2021 quy định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần; Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tư (tháng 11-2022) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, là những điều kiện đủ để Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đấu giá băng tần 2.300-2.400MHz dành cho 4G, 5G.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp tham gia đấu giá băng tần ở 3 khối, gồm: A1 (2.300-2.330MHz), A2 (2.330-2.360MHz), A3 (2.360-2.390MHz). Giá khởi điểm của cả 3 khối băng tần là trên 5.798 tỷ đồng/khối. Thời gian đấu giá với băng tần A1, A2, A3 được tổ chức lần lượt vào 15h các ngày 15-5, 25-5 và 2-6-2023. Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông mới chỉ xác nhận có 4 nhà mạng nộp hồ sơ tham gia đấu giá gồm: Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile. Trải qua 2 vòng đấu giá, thông tin được giữ bí mật.

Tuy nhiên, điều được dư luận quan tâm lại là doanh nghiệp nào đủ điều kiện được đấu giá và doanh nghiệp nào đã trúng đấu giá? Nhất là khi để trúng giá, doanh nghiệp phải trả ít nhất là trên 5.798 tỷ đồng/khối (là 30MHz) vào ngân sách nhà nước.

Trong số 4 nhà mạng nộp hồ sơ tham gia đấu giá, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) nhiều lần lên tiếng kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm có phương án cấp tần số cho 4G, để nhà mạng bảo đảm chất lượng dịch vụ cho khách hàng, vì có không ít thời điểm thuê bao 4G Viettel ở mức chạm nghẽn. Do vậy, khi cơ quan quản lý công bố tổ chức đấu giá là cơ hội để nhà mạng này có tần số mới phục vụ khách hàng.

Một điều quan trọng khác không thể không nhắc đến đó là Viettel là nhà mạng có doanh thu, lợi nhuận hằng năm lớn gấp vài lần nhà mạng khác, chẳng hạn năm 2022 đạt doanh thu là 163.000 tỷ đồng, lợi nhuận là 38.000 tỷ đồng. Do vậy, Viettel hội tụ đủ cơ hội để trúng đấu giá một trong 3 khối băng tần.

Hai nhà mạng là VNPT và MobiFone cũng được nhận định có cơ hội trúng đấu giá vì có tiềm lực. Tuy nhiên, vì doanh thu và lợi nhuận của VNPT năm 2022 (55.209 tỷ đồng và 6.629 tỷ đồng), MobiFone (28.329 tỷ đồng và 2.713 tỷ đồng) nên họ phải tính toán khi đầu tư cho băng tần này! Các chuyên gia cho rằng việc Vietnamobile tham gia đấu giá băng tần 4G, 5G là điều kiện cần để có thể cạnh tranh thời gian tới. Nhà mạng này có lợi thế trong liên doanh với đối tác Hutchinson, nên đây cũng sẽ là điểm cộng để có cơ hội trúng đấu giá.

Giá khởi điểm trên 5.798 tỷ đồng cho 1 khối băng tần 30MHz là mức giá quá cao cũng được một số nhà mạng chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới. Một lãnh đạo của nhà mạng cho biết, đơn vị mình có tham gia, nhưng với mức giá cao như vậy thì không chịu nổi! Vì viễn thông đã bão hòa, nhà mạng lại chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ các nền tảng xuyên biên giới, các OTT viễn thông; trong khi các dịch vụ số chưa thể đạt doanh thu như mong muốn. Mặt khác, kinh tế toàn cầu khó khăn, giá nhiên liệu tăng… cũng sẽ gây sức ép khi người dân thắt chặt tiêu dùng khiến doanh thu nhà mạng tăng trưởng chậm. Thêm nữa, nếu trúng giá, ngoài số tiền nêu trên, còn cần phải đầu tư để thiết lập mạng lưới cung cấp dịch vụ với chi phí không nhỏ.

Cũng phải nói thêm, Bộ Thông tin và Truyền thông đấu giá băng tần 2.300-2.400MHz với 3 khối và cơ hội trúng giá chỉ dành cho 3 doanh nghiệp (quy định doanh nghiệp trúng giá 1 khối băng tần không được đấu giá tiếp). Trong chiến lược phát triển ngành, hạ tầng viễn thông mà trong đó có dịch vụ 4G, 5G là một trong nền tảng quan trọng của hạ tầng số phục vụ kinh tế số, xã hội số… thì việc các nhà mạng luôn phải đáp ứng nhu cầu khách hàng không chỉ là điều kiện bắt buộc mà còn là yếu tố cạnh tranh mang tính “màu cờ sắc áo”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đấu giá tần số 4G, 5G - cơ hội cho nhà mạng có tiềm lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.