(HNM) - Nhiều năm nay, thành phố Hà Nội đã phân cấp ngày càng nhiều cho các quận, huyện, thị xã chủ động tổ chức đấu giá đất để tạo nguồn vốn xây dựng cơ bản.
Cơ sở hạ tầng tại Hà Nội được xây dựng có sự đóng góp từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất. Trong ảnh: Đường Vành đai 3, một trong những công trình giao thông hiện đại của Hà Nội. Ảnh: Phương Thanh |
Đất đai - nguồn lực quyết định
Thanh Trì là huyện cửa ngõ phía nam Hà Nội, có nhiều lợi thế để phát triển. Nhưng để thúc đẩy sự phát triển của địa phương, huyện còn nhiều khó khăn, thách thức. Ông Triệu Đình Phúc, Bí thư Huyện ủy cho biết: "Trong quá trình thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội chúng tôi phải đối diện với 3 khó khăn lớn là thiếu nguồn vốn đầu tư, thiếu quy hoạch và thiếu cán bộ".
- Năm 2010, Hà Nội thu được trên 3.500 tỷ đồng từ đấu giá đất. - Năm 2011, dự kiến sẽ đấu giá 33 dự án và các khu đất xen kẹt với nguồn thu khoảng 2.600 tỷ đồng. |
Cũng như nhiều quận, huyện khác, nguồn vốn đầu tư phát triển ở Thanh Trì cũng có hạn và phụ thuộc rất nhiều vào đấu giá đất. Trong những năm gần đây, huyện đã đi đầu và được coi là có sáng kiến khai thác nguồn đất xen kẹt để tổ chức đấu giá. Năm 2010, huyện đã đấu giá thành công, đạt 160% kế hoạch, thu về hàng trăm tỷ đồng. Đây là nguồn vốn giúp huyện đầu tư xây dựng, cải tạo nhiều tuyến đường giao thông, bổ sung vào nguồn vốn xây dựng, cải tạo, nâng cấp trường học, trạm y tế các xã. Năm 2011, Thanh Trì xác định tiếp tục tập trung khai thác nguồn lực từ đất đai bằng giải pháp chủ yếu là đổi đất lấy hạ tầng (đầu tư theo hình thức BT) và đấu giá đất.
Đối với Hà Nội nói chung, nguồn lực từ đất đai cũng giữ vai trò rất lớn. Năm 2010, cả thành phố thu được trên 3.500 tỷ đồng từ đấu giá đất. Năm 2011, các quận, huyện dự kiến đấu giá 33 dự án và các khu đất xen kẹt với nguồn thu dự kiến khoảng 2.600 tỷ đồng. Số vốn này được phân bổ theo một tỷ lệ nhất định giữa thành phố và các quận, huyện. Các quận được phân bổ tỷ lệ thấp hơn các huyện. Số vốn được chuyển về ngân sách thành phố sẽ được đầu tư cho các địa phương trên toàn thành phố với tiêu chí tất cả các địa phương đều được hưởng lợi từ đấu giá đất và khoảng cách về hạ tầng giữa các quận, huyện, thị xã ngày càng được thu hẹp.
Trong chương trình hành động của TP Hà Nội thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước đến năm 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của TP có thể lên tới khoảng 180 tỷ USD. TP xác định, nguồn nội lực là chủ yếu, trong đó ngoài các nguồn vốn từ tài sản công thuộc sở hữu nhà nước để phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng, chú trọng thu hút vốn từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, xã hội hóa, TP sẽ huy động tối đa nguồn vốn từ quỹ đất.
Nhiều "nút thắt" cần gỡ
Những "nút thắt" hiện nay trong đấu giá đất tại Hà Nội có nguyên do từ cả các quy định của trung ương và các quy định ở cấp thành phố.
Làm thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất tại Hà Nội. Ảnh: Tuấn Khải |
Làm thủ tục tại một phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở Hà Nội. Ảnh: Tuấn Khải |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.