Đấu giá đất: Cần gỡ những “nút thắt”

Kinh tế - Ngày đăng : 07:04, 11/04/2011

(HNM) - Nhiều năm nay, thành phố Hà Nội đã phân cấp ngày càng nhiều cho các quận, huyện, thị xã chủ động tổ chức đấu giá đất để tạo nguồn vốn xây dựng cơ bản.

Cơ sở hạ tầng tại Hà Nội được xây dựng có sự đóng góp từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất.  Trong ảnh: Đường Vành đai 3, một trong những công trình giao thông hiện đại của Hà Nội. Ảnh: Phương Thanh


Đất đai - nguồn lực quyết định
Thanh Trì là huyện cửa ngõ phía nam Hà Nội, có nhiều lợi thế để phát triển. Nhưng để thúc đẩy sự phát triển của địa phương, huyện còn nhiều khó khăn, thách thức. Ông Triệu Đình Phúc, Bí thư Huyện ủy cho biết: "Trong quá trình thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội chúng tôi phải đối diện với 3 khó khăn lớn là thiếu nguồn vốn đầu tư, thiếu quy hoạch và thiếu cán bộ".

- Năm 2010, Hà Nội thu được trên 3.500 tỷ đồng từ đấu giá đất.
- Năm 2011, dự kiến sẽ đấu giá 33 dự án và các khu đất xen kẹt với nguồn thu khoảng 2.600 tỷ đồng.

Cũng như nhiều quận, huyện khác, nguồn vốn đầu tư phát triển ở Thanh Trì cũng có hạn và phụ thuộc rất nhiều vào đấu giá đất. Trong những năm gần đây, huyện đã đi đầu và được coi là có sáng kiến khai thác nguồn đất xen kẹt để tổ chức đấu giá. Năm 2010, huyện đã đấu giá thành công, đạt 160% kế hoạch, thu về hàng trăm tỷ đồng. Đây là nguồn vốn giúp huyện đầu tư xây dựng, cải tạo nhiều tuyến đường giao thông, bổ sung vào nguồn vốn xây dựng, cải tạo, nâng cấp trường học, trạm y tế các xã. Năm 2011, Thanh Trì xác định tiếp tục tập trung khai thác nguồn lực từ đất đai bằng giải pháp chủ yếu là đổi đất lấy hạ tầng (đầu tư theo hình thức BT) và đấu giá đất.


Đối với Hà Nội nói chung, nguồn lực từ đất đai cũng giữ vai trò rất lớn. Năm 2010, cả thành phố thu được trên 3.500 tỷ đồng từ đấu giá đất. Năm 2011, các quận, huyện dự kiến đấu giá 33 dự án và các khu đất xen kẹt với nguồn thu dự kiến khoảng 2.600 tỷ đồng. Số vốn này được phân bổ theo một tỷ lệ nhất định giữa thành phố và các quận, huyện. Các quận được phân bổ tỷ lệ thấp hơn các huyện. Số vốn được chuyển về ngân sách thành phố sẽ được đầu tư cho các địa phương trên toàn thành phố với tiêu chí tất cả các địa phương đều được hưởng lợi từ đấu giá đất và khoảng cách về hạ tầng giữa các quận, huyện, thị xã ngày càng được thu hẹp.

Trong chương trình hành động của TP Hà Nội thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước đến năm 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của TP có thể lên tới khoảng 180 tỷ USD. TP xác định, nguồn nội lực là chủ yếu, trong đó ngoài các nguồn vốn từ tài sản công thuộc sở hữu nhà nước để phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng, chú trọng thu hút vốn từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, xã hội hóa, TP sẽ huy động tối đa nguồn vốn từ quỹ đất.

Nhiều "nút thắt" cần gỡ
Những "nút thắt" hiện nay trong đấu giá đất tại Hà Nội có nguyên do từ cả các quy định của trung ương và các quy định ở cấp thành phố.

Làm thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất tại Hà Nội. Ảnh: Tuấn Khải

Từ nhiều năm nay, các quận, huyện thường xuyên nhắc tới một đề nghị mang tính thủ tục liên quan đến việc phân bổ số tiền thu được từ đấu giá đất giữa cơ quan phụ trách tài chính thành phố và địa phương. Theo quy trình hiện hành, sau khi hoàn thành đấu giá đất, các quận, huyện phải nộp toàn bộ số tiền thu được về cấp thành phố, sau đó trên cơ sở tỷ lệ phân bổ theo quy định, các quận, huyện sẽ được thành phố chuyển lại số tiền tương ứng. Một cán bộ UBND huyện Thanh Trì cho biết: "Từ lúc nộp tiền về thành phố đến khi nhận được tiền để phục vụ đầu tư, có khi phải chờ đến 3 tháng". Vì vậy, Thanh Trì cũng như các địa phương khác đều mong muốn thành phố giữ nguyên số tiền đấu giá được tại kho bạc cấp huyện, sau đó theo tỷ lệ phân bổ quy định chỉ thu phần thuộc về thành phố. Như vậy vừa bớt được thủ tục vừa giúp địa phương nhanh chóng có nguồn vốn để phục vụ đầu tư. Thời gian là vàng bạc, nếu chậm đầu tư một vài tháng, số vốn một dự án có thể đã đội lên hàng tỷ đồng. Nhà nước phải gánh chịu thiệt hại từ chính những quy định thiếu tính linh hoạt như vậy.

Hai "nút thắt" khác cần được tháo gỡ liên quan trực tiếp đến quy định của Trung ương. Một là, hiện nay thành phố chưa được phép ủy quyền cho quận, huyện thu hồi đất của cơ quan, tổ chức nên đối với nhiều khu đất xen kẹt, các quận, huyện đã hoàn thành thu hồi đất của những cá nhân, hộ gia đình nhưng còn các phần đất thuộc cơ quan, tổ chức hiện đang quản lý thì phải chờ cấp thành phố thu hồi mới có thể đưa ra đấu giá. Quy trình thủ tục cũng như sự phối hợp giữa thành phố với các địa phương trong việc này không phải suôn sẻ và thuận lợi như mong muốn, do đó nhiều khu đất dự định đưa ra đấu giá vẫn phải nằm chờ. Hai là quy trình đấu giá hiện nay đều phải thông qua cơ quan thuộc Sở Tư pháp. "Ở làng, ở xã muốn đấu giá cái ao cũng phải thông qua cơ quan này, vừa mất thời gian lại kém hiệu quả. Đề nghị thành phố nên kiến nghị Chính phủ thay đổi Nghị định 17 chứ gộp tất cả về Sở Tư pháp là không hiệu quả. Vì "hiểu đất" không ai bằng quận, huyện, mà không "hiểu đất" không biết quyết định đấu giá lúc nào phù hợp… Như vậy, Nhà nước chịu thiệt" - ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP nói.

Làm thủ tục tại một phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở Hà Nội.  Ảnh: Tuấn Khải

Ngoài các "nút thắt" này, Sở Tài nguyên và Môi trường đang cùng các cơ quan TP nghiên cứu nâng định mức diện tích đất xen kẹt mà quận, huyện, thị xã được quyền tổ chức đấu giá lên 3ha thay vì mức 5.000m2 còn nhiều bó buộc như hiện nay. Có thể nói, tháo gỡ các "nút thắt" giúp cho công tác đấu giá đất và sử dụng nguồn lực này được thuận lợi và hiệu quả là rất cần thiết. Vì liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nên không chỉ cấp thành phố, mà bản thân các quận, huyện, những nơi trực tiếp chịu những ảnh hưởng, tác động của các văn bản, quy định cần chủ động đề xuất, kiến nghị các biện pháp hợp lý để tháo gỡ. Tuy nhiên, khi đấu giá đất trở nên thuận lợi và dễ dàng, các địa phương cũng không nên chỉ tập trung chú trọng vào riêng nguồn lực này mà không "dốc sức" quan tâm đối với các nguồn lực khác.

Võ Lâm