(HNM) - Sau hai ngày thảo luận, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước có nền công nghiệp phát triển (G7) được tổ chức tại thành phố Lubeck, miền Bắc nước Đức đã kết thúc với bản tuyên bố chung bao trùm nhiều vấn đề then chốt. Đây là sự kiện quan trọng và được coi là bước chuẩn bị cuối cùng
Quan hệ với Nga là chủ đề bao trùm Hội nghị Ngoại trưởng G7. |
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động như cuộc khủng hoảng Ukraine, tình hình bất ổn ở Trung Đông, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Ngay cả cuộc chiến chống đại dịch Ebola, vấn đề an ninh hàng hải và những tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu cũng đòi hỏi các nhà lãnh đạo thế giới cần có những chính sách mạnh mẽ và cương quyết hơn. Vì thế, chương trình nghị sự mà Hội nghị Ngoại trưởng G7 đặt ra không nằm ngoài mục tiêu nhằm lên khung chương trình cho những vấn đề hệ trọng sẽ được các nguyên thủ G7 bàn thảo cho trong giai đoạn nửa sau của năm 2015.
Không nằm ngoài dự đoán trước đó của các nhà phân tích, vấn đề phủ bóng cuộc gặp tại Lubeck vẫn là câu chuyện về cuộc khủng hoảng Ukraine. Kể từ sau Hội nghị Minsk 2 tại Belarus thì đây là lần đầu Ngoại trưởng của G7 họp bàn để thảo luận về các bước tiến hành thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên liên quan. Điều đáng quan tâm nhất đối với các nước phương Tây hiện nay là triển vọng quan hệ với Mátxcơva sau một năm thực hiện các biện pháp trừng phạt. Mặc dù, các lệnh cấm vận về kinh tế đã gây ra những tác động nặng nề đối với nền kinh tế Nga song lại không tạo ra bất cứ sự thay đổi nào trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Vladimir Putin. Ngược lại, tâm lý bài phương Tây của người dân xứ Bạch dương lại gia tăng chưa từng thấy. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại kéo dài cũng khiến Châu Âu hứng chịu những thiệt hại không hề nhỏ. Đây là nguyên nhân khiến mâu thuẫn trong nội bộ các thành viên Liên minh Châu Âu (EU) ngày càng lộ rõ. Trong khi đó, tháng 6 tới sẽ là khoảng thời gian quyết định với hàng loạt các vấn đề lớn về chính trị và kinh tế thế giới. Đây là lúc Lục địa già và Mỹ phải xem lại các lệnh trừng phạt kinh tế và ngoại giao nhằm vào Nga để đưa ra quyết định tiếp tục kéo dài và nâng mức trừng phạt hay sẽ gỡ bỏ từng phần. Dù các Ngoại trưởng G7 thống nhất điều này phụ thuộc rất lớn vào việc thực hiện thỏa thuận Minsk 2 của các bên, nhưng nếu đến thời điểm đó tình hình cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine vẫn "dậm chân tại chỗ" thì việc đưa ra những biện pháp tiếp theo cũng không hề dễ dàng. Trên thực tế đến thời điểm này, nền kinh tế Châu Âu cũng đã bắt đầu hứng chịu những tác động ngược từ việc bao vây Nga.
Tháng 6 cũng là thời điểm vấn đề hạt nhân Iran đi đến một thỏa thuận cuối cùng. Trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng G7 ở Lubeck đã xuất hiện một tín hiệu tích cực từ phía Mỹ. Đó là Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã bật đèn xanh cho việc tiến hành các bước đàm phán tiếp theo với Tehran. Tuy nhiên, việc Nga dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu hệ thống phòng không tiên tiến S-300 cho Iran đã khiến Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) quan ngại. Thủ tướng Đức Angela Merkel coi đây là một quyết định quá sớm từ phía Nga trong khi cuộc thương lượng đang trong giai đoạn đàm phán nước rút. Các nhà phân tích đều đồng tình với nhận định việc Nga dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Iran là động thái giúp nước này vượt lên trên đường đua với phương Tây nhằm chiếm thị phần hợp tác với quốc gia vùng Vịnh nhiều tiềm năng về dầu mỏ.
Rõ ràng, cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng của phương Tây và Nga đang ngày càng lan rộng. Về cơ bản, phương Tây đứng đầu là Mỹ phải nỗ lực gìn giữ trật tự thế giới dường như đang bị lung lay bởi sự thức dậy của chú "gấu Nga". Thế nhưng, trong bối cảnh thế giới ngày càng hội nhập, lợi ích các quốc gia ở thế đan xen cài răng lược, làm thế nào để vừa kiềm chế đối thủ, vừa tránh tình trạng tự làm tổn thương là một bài toán không hề dễ dàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.