(HNMO) - Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hà Nội đã thực hiện 8 chương trình công tác lớn toàn khóa để cụ thể hóa mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố với các nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá, tạo chuyển biến mạnh mẽ và để lại dấu ấn đậm nét trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Chương trình số 01-Ctr/TU: Tạo chuyển biến mạnh trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
Được nghiên cứu, ban hành sớm nhất, Chương trình số 01-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh giai đoạn 2016-2020” đã tác động mạnh đến 7 chương trình công tác còn lại của Thành ủy, tạo nền tảng quan trọng để Thủ đô phát triển toàn diện, hoàn thành 16/16 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố.
Thành ủy Hà Nội đã nghiên cứu xây dựng, triển khai các chỉ thị, nghị quyết, đề án, quy chế, quy định trong các lĩnh vực xây dựng Đảng, đi sâu vào việc mới, việc khó; bước đầu tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng. XEM CHI TIẾT
Chương trình số 02-Ctr/TU: Đưa nông thôn Hà Nội vươn tới tầm cao mới
Hà Nội đã triển khai linh hoạt, sáng tạo chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với thực tế của địa phương; chỉ đạo thực hiện các công việc có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; phát huy vai trò tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở, coi xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Đến cuối năm 2020, Hà Nội có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 96,5%. So với mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố đã đề ra, các kết quả trong xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành trước hạn 2 năm, đưa Hà Nội đứng đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới, với nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao; triển khai và xây dựng được 15 xã nông thôn mới nâng cao. XEM CHI TIẾT
Chương trình số 03-Ctr/TU: Khẳng định tầm vóc Thủ đô
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, những năm qua, Hà Nội đạt nhiều thành tựu kinh tế rất đáng ghi nhận, trong đó đặc biệt là việc nâng cao sức cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế.
Thành phố thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính trên diện rộng. Tỷ lệ thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông đạt 97,33%. Hà Nội cũng đứng thứ 2 cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, với tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%, tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 98%, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt gần 100%. XEM CHI TIẾT
Chương trình số 04-Ctr/TU: Văn hóa là nền tảng và động lực phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô
Với quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, đồng hành với phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng con người, bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ quan trọng, nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố luôn xác định không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, có một chương trình công tác lớn riêng về phát triển văn hóa, con người Hà Nội. Trên cơ sở đó, Chương trình số 04-CTr/TU về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” được xây dựng.
Trong 5 năm qua, Chương trình số 04-CTr/TU đã được triển khai bài bản, quyết liệt và sáng tạo. Công tác xây dựng văn hóa Thủ đô được triển khai có trọng tâm, trọng điểm; chi đầu tư phát triển văn hóa tăng 30% so với nhiệm kỳ trước; công tác quản lý nhà nước về văn hóa, nhất là lĩnh vực văn học, nghệ thuật, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được tăng cường. Lĩnh vực thể dục - thể thao tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước. XEM CHI TIẾT
Chương trình số 05-Ctr/TU: Vì sự bình yên của Thủ đô
Trong nhiệm kỳ qua, Chương trình số 05-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội (khóa XVI) về “Tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, giai đoạn 2016-2020” đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, hoàn thành xuất sắc mục tiêu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vì sự bình yên của Thủ đô.
Với 8 nhiệm vụ và giải pháp chung, 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn thành phố cùng tổ chức thực hiện, Chương trình số 05-CTr/TU đã được thực hiện hiệu quả. Vì thế, những năm qua, dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường nhưng Hà Nội vẫn luôn là địa chỉ tin cậy để tổ chức nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng trong nước và quốc tế, là điểm đến an toàn, hấp dẫn với bạn bè quốc tế. XEM CHI TIẾT
Chương trình số 06-Ctr/TU: Tạo lập một đô thị không ngừng đổi mới, hiện đại
Thủ đô Hà Nội không ngừng “thay da, đổi thịt”, diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, hiện đại. Đây là những thành công bước đầu, minh chứng rõ nét cho kết quả của Chương trình 06-CTr/TU ngày 29-6-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh và hiện đại giai đoạn 2016-2020”.
Sau 4 năm triển khai, Chương trình đã thực sự trở thành đòn bẩy đối với công tác phát triển kết cấu hạ tầng đô thị. Từ danh mục 55 dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020, các cấp, các ngành đã nỗ lực khắc phục khó khăn về giải phóng mặt bằng, huy động nguồn lực đầu tư. Nhiều dự án đã được khai thác, sử dụng hiệu quả như: Công viên Nhân Chính, cầu vượt Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái, cầu vượt An Dương - Thanh Niên... XEM CHI TIẾT
Chương trình số 07-Ctr/TU: Tạo chuyển biến tích cực về phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Trao đổi về kết quả thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020”, Thành ủy viên, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức khẳng định: Việc triển khai thực hiện chương trình đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, từng bước thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn Thủ đô.
Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy khóa XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) có nhiều cách làm mới, hiệu quả. Thành ủy đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU do đồng chí Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban; ban hành quy chế làm việc; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện 13 chuyên đề. Việc tổ chức triển khai thực hiện các chuyên đề đã phát huy hiệu quả trên từng lĩnh vực, tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. XEM CHI TIẾT
Chương trình số 08-Ctr/TU: Điểm sáng trong 3 khâu đột phá của Thủ đô
Đến nay, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội ngày 26-4-2016 về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020” đã cơ bản hoàn thành. Kết quả cải cách hành chính đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, hướng tới xây dựng nền hành chính phục vụ.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố có nhiều đổi mới theo hướng sâu sát, quyết liệt, sáng tạo, mang lại hiệu quả rõ rệt; việc tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ trên tinh thần 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, “một đầu mối, một việc xuyên suốt” đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở. XEM CHI TIẾT
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.