Với sự thay đổi về xu hướng, nhu cầu tìm kiếm thông tin của du khách, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch có sự chuyển biến nhanh chóng, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.
Nhờ vậy, bức tranh du lịch Việt Nam thêm khởi sắc với nhiều sản phẩm mới, cách làm hay mang dấu ấn từ công cuộc chuyển đổi số.
Thêm kênh tiếp cận
Đầu tháng 3-2024, anh Antoni Porowski, một du khách Italia cùng gia đình tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) theo hình thức tự túc. Anh Antoni mua vé điện tử trên ứng dụng và sử dụng hệ thống thuyết minh tự động. “Tôi thoải mái tham quan di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà không cần phải nhờ hướng dẫn viên. Các ứng dụng công nghệ thuyết minh giúp tôi dễ dàng tìm hiểu thông tin, rất tiện ích”, anh Antoni chia sẻ.
Ngoài Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhiều di tích, điểm du lịch của Hà Nội đã triển khai bán vé điện tử và thuyết minh tự động, số hóa các dữ liệu thông tin bằng mã quét QR để du khách dễ dàng tra cứu, điển hình như: Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, làng nghề gốm sứ Bát Tràng…
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, các địa phương trên cả nước đã đồng loạt triển khai và áp dụng nhiều ứng dụng chuyển đổi số. Riêng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam phối hợp với các đơn vị triển khai Thẻ du lịch thông minh, ứng dụng Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel, ứng dụng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, Trang vàng du lịch Việt Nam, hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam...
Nhiều địa phương trở thành điểm sáng về hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Điển hình là thành phố Hồ Chí Minh với việc triển khai ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch; cập nhật 366 tài nguyên du lịch lên nền tảng Google Earth và Google Map; đưa sản phẩm du lịch lên sàn giao dịch thương mại điện tử…
Thủ đô Hà Nội đã triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng số, mạng xã hội trong hoạt động du lịch, đồng thời thống nhất hệ thống dữ liệu cho hơn 300 điểm du lịch. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang thông tin thêm, việc số hóa giúp du khách dễ dàng tìm hiểu về điểm tham quan. Sở Du lịch Hà Nội còn phối hợp với các địa phương xây dựng nhiều tiện ích khác, như: Bản đồ số các điểm đến, địa chỉ ẩm thực cho du khách.
Tại một số trung tâm du lịch lớn khác như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang…, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch cũng đang được đẩy mạnh trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, YouTube, Instagram, TikTok…, góp phần lan tỏa hình ảnh điểm đến văn hóa đầy tích cực.
Tìm cách nâng cao hiệu quả
Có thể thấy, với định hướng của các cơ quan quản lý cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp, hoạt động chuyển đổi số đã góp phần mang lại nhiều tiện ích cho ngành Du lịch, đóng góp cho nền kinh tế thông minh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong du lịch mới chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ và thống nhất. Hoạt động số hóa còn manh mún, “mạnh ai nấy làm” nên chưa mang lại hiệu quả cao.
Phân tích nguyên nhân của thực trạng này, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, việc chuyển đổi số của ngành Du lịch thiếu đồng bộ do thiếu hụt nguồn nhân lực, tiềm lực tài chính còn hạn chế; phần khác là do tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo một số đơn vị chưa cao. Để việc chuyển đổi số trong du lịch đạt hiệu quả hơn, cơ quan quản lý cần định hướng xây dựng và phát triển một hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch thống nhất trên toàn quốc.
Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho rằng, các công ty lữ hành, điểm đến cần tăng trải nghiệm du lịch thông minh cho du khách bằng các công nghệ: Thực tế ảo; bán vé, thuyết minh tự động; giao dịch và thanh toán điện tử... “Du lịch cũng là một phần của nền kinh tế nên cần đổi mới tư duy để phát triển như một phần của kinh tế số. Các đơn vị cần sử dụng nhiều ứng dụng thông minh giúp du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin, trao đổi, trải nghiệm và thanh toán”, ông Nguyễn Công Hoan nói.
Ngày 23-2-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg "Về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới". Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương triển khai chuyển đổi số du lịch đồng bộ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương phát triển cơ sở dữ liệu về quản trị và kinh doanh du lịch trên nền tảng số dùng chung; xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch gắn với chuyển đổi số.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về phát triển du lịch thông minh; phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; phát huy cơ chế hợp tác công tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.