(HNM) - Phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô, năm 2014 Hà Nội đã phải thực hiện khối lượng công việc khổng lồ trong giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện nhiều dự án. Đây là một vấn đề đầy khó khăn, phức tạp, trực tiếp liên quan đến quyền lợi của người dân, dễ nảy sinh khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện kéo dài.
Trong bối cảnh đó, quận Cầu Giấy, một trong những địa bàn trọng điểm về công tác GPMB của thành phố đã có những cách làm sáng tạo, đạt hiệu quả cao, tạo được sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân, bảo đảm tiến độ triển khai các dự án.
Để làm rõ những kinh nghiệm bước đầu của địa phương trong công tác GPMB, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy.
|
Ông Trần Việt Hà - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy. |
Triển khai mọi việc đều phải công khai, dân chủ- Thưa ông, trên địa bàn thành phố, công tác GPMB luôn có độ “nóng” đặc biệt. Với quận Cầu Giấy, địa phương có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ trong những năm qua, cụ thể vấn đề này như thế nào?- Chúng tôi đã xác định, công tác GPMB là nhiệm vụ trung tâm trong 3 khâu đột phá xuyên suốt nhiệm kỳ 2010 - 2015 để phát triển hạ tầng khung. Năm 2014 và năm 2015, công tác GPMB vẫn là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng gắn với quá trình xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn quận Cầu Giấy. Về con số cụ thể, năm 2014, quận Cầu Giấy có tổng số 68 dự án phải GPMB, với diện tích đất phải thu hồi là trên 83ha, liên quan đến gần 4.000 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, trong đó phải bố trí tái định cư cho trên 1.200 hộ gia đình. Hiện chúng tôi đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành công tác thu hồi đất, GPMB được 14 dự án với tổng diện tích trên 35ha. Trong đó có 7 dự án đã phê duyệt xong phương án, đang thực hiện chi trả tiền đền bù, dự kiến thu hồi đất, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư để triển khai thực hiện dự án trong tháng 1-2015. Ví dụ dự án xây dựng đường Vành đai 2 đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đạt 90,7%; Dự án xây dựng đường từ Bảo tàng Dân tộc học đến quốc lộ 32, 244/245 trường hợp đã bàn giao mặt bằng, đạt 99,6%... Dù là đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hay hạ tầng xã hội thì vấn đề đầu tiên là phải có mặt bằng.
- Những con số nêu trên quả thực là ấn tượng bởi trong thành phố có những dự án kéo dài nhiều năm vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm công tác GPMB. Vậy qua thực tế, đâu là bài học kinh nghiệm của quận Cầu Giấy?- Tranh thủ sự hướng dẫn nghiệp vụ của Ban chỉ đạo GPMB thành phố về công tác GPMB các dự án trên địa bàn quận, chúng tôi đã tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các tổ công tác, UBND các phường thuộc quận và chủ đầu tư thực hiện đúng trình tự, thủ tục trong công tác GPMB theo quy định hiện hành của Nhà nước và thành phố. Ban bồi thường GPMB của quận luôn tích cực, chủ động nắm bắt tình hình để tham mưu giúp Hội đồng GPMB quận Cầu Giấy xét duyệt việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đúng quy định, kịp thời đề xuất với UBND thành phố có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình tổ chức thực hiện GPMB, nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của quận và thành phố.
- Về mặt nguyên tắc, các địa phương đều áp dụng cách thức GPMB như vậy. Vấn đề chúng tôi cần tìm hiểu là “bí quyết” của quận Cầu Giấy trong công tác này để đạt được sự đồng thuận cao của người dân?- Đó là công khai, dân chủ, minh bạch và chú trọng bảo vệ những quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân.
- Quận Cầu Giấy đã thực hiện điều đó như thế nào? Lấy ví dụ như dự án xây dựng đường từ Bảo tàng Dân tộc học đến quốc lộ 32, trong số 245 trường hợp, chỉ còn 1 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng do liên quan đến việc thu hồi đất của dự án đường 32 trước đây nên Hội đồng phải kiểm tra trước khi phê duyệt phương án.
- Dù con đường này chỉ dài hơn 600m, nhưng đây là một trong 37 công trình trọng điểm về giao thông của thành phố và là dự án thành phố giao cho quận phê duyệt quy hoạch 1/500. Thực hiện GPMB tại dự án này hay mọi dự án khác chúng tôi luôn đặt vấn đề an dân lên hàng đầu, cụ thể là đả thông tư tưởng cho người dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc triển khai dự án đối với lợi ích của cộng đồng. Tiếp đó là niêm yết công khai các văn bản mang tính pháp quy của Nhà nước có liên quan đến việc triển khai dự án, rồi vấn đề đền bù, giải quyết tái định cư cho người dân và các đơn vị, tổ chức khi GPMB, các chế độ, chính sách triển khai, vận dụng…
Chính quyền phải đặt mình ở vị trí của người dân - Với mỗi dự án khi triển khai, không phải không có những luồng ý kiến khác nhau. Công tác GPMB, giải quyết các chế độ, chính sách cho người dân phải căn cứ vào những quy định của pháp luật, còn người dân bao giờ cũng đòi hỏi tối đa quyền lợi của mình, khi quan điểm của hai phía không gặp nhau thì tất yếu sẽ dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện…- Vâng! Theo tôi, điều khó nhất là chính quyền phải đặt mình ở vị trí của người dân, như vậy mới có thể thấu hiểu tư tưởng, tâm trạng của người dân, như vậy mới có những tư vấn thiết thực để bảo vệ quyền lợi cho người dân. Từ đó có những quyết sách phù hợp và thỏa đáng bảo đảm nguyên tắc cơ bản là công khai, minh bạch về cơ chế chính sách, bảo đảm đúng pháp luật và phù hợp với thực tiễn, hài hòa giữa lợi ích của Nhân dân - Nhà nước - Chủ đầu tư; đồng thời thực hiện tốt phương châm: Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan, các cơ chế chính sách hiện hành của thành phố về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất gắn với việc tổ chức các cuộc đối thoại với người dân để nắm bắt kịp thời và giải quyết triệt để các đơn kiến nghị, phản ánh, tạo sự đồng thuận trong thực hiện GPMB.
- Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, hiện nay cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư cho người dân khi GPMB cũng còn những điểm bất cập, chưa phù hợp. Vậy quận Cầu Giấy đã giải quyết điều đó như thế nào?- Từng dự án đều có cơ chế đặc thù riêng. UBND quận, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với người dân có đất bị thu hồi trong quá trình GPMB, lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của người dân để xem xét, giải quyết thấu đáo những vấn đề phát sinh. Trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết thì phải báo cáo thành phố, xin chính sách đặc thù để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân. Trên địa bàn, có những dự án ban đầu hệ số giá đền bù đất không thỏa đáng, sau khi xem xét thực tế mặt bằng, chúng tôi đã kiến nghị, đề xuất với thành phố cho nâng gấp đôi hệ số này, tuy rằng mức giá đó vẫn thấp hơn thị trường, nhưng như vậy cũng thể hiện sự lắng nghe ý kiến từ phía người dân, đồng hành để bảo đảm cơ bản quyền lợi của người dân.
- Có nghĩa là phải đi sâu, bám sát người dân, trách nhiệm của chính quyền là phục vụ một cách tốt nhất lợi ích của người dân?
- GPMB là một công việc vô cùng khó khăn, phức tạp, xác định điều đó chúng tôi đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ quận đến các phường trong suốt quá trình thực hiện công tác GPMB. Thực tế quận Cầu Giấy cũng có những cách làm sáng tạo. Ví dụ như chúng tôi chuyển đến tay người dân và cấp ủy, chính quyền các cấp tất cả các văn bản hướng dẫn để người dân và các cấp, các ngành biết và tham gia bàn bạc cũng như trực tiếp giám sát và tuyên truyền về công tác GPMB. Bên cạnh đó, chúng tôi chỉ đạo phân loại theo từng đối tượng (đảng viên, cựu chiến binh, hội phụ nữ,…) để giao nhiệm vụ cho các tổ chức Đảng, đoàn thể tuyên truyền vận động và khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức của quận trở thành tuyên truyền viên trong công tác GPMB… Đặc biệt, chúng tôi luôn luôn bám sát cơ sở, bám sát từng dự án thông qua việc tổ chức các buổi giao ban định kỳ hằng tuần vào chiều thứ ba (đối với dự án xây dựng đường từ Bảo tàng Dân tộc học đến quốc lộ 32) và chiều thứ tư (đối với dự án xây dựng đường Vành đai 2) để lãnh đạo quận, lãnh đạo các đơn vị lắng nghe ý kiến, nắm bắt tiến độ thực hiện từng dự án, từ đó đưa ra các giải pháp, cách làm cụ thể, hiệu quả và có thể điều chỉnh, phân công trách nhiệm cho từng thành viên có liên quan. Những biện pháp đó đã giúp cho công tác GPMB các dự án trên địa bàn được triển khai thuận lợi.
Nếu không đồng bộ thì cấp cơ sở rất khổ và khó làm- Trở lại với dự án xây dựng đường từ Bảo tàng Dân tộc học đến quốc lộ 32, như ông đã nêu, theo phân cấp, đây là dự án thành phố giao cho quận phê duyệt quy hoạch 1/500. Tức là quận tiến hành GPMB, quận làm chủ đầu tư dự án, và quận cũng là cấp phê duyệt quy hoạch 1/500. Như vậy liệu có rơi vào tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, khiến cho người dân bị thiệt thòi về lợi ích?- Khi mọi việc đều được thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch thì không thể xảy ra tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Bên cạnh đó, lợi thế trong dự án này là việc phân cấp cho cơ sở, giúp chúng tôi có thể chủ động thực hiện đồng bộ các công việc trong GPMB. Và thực tế, sự đồng thuận của người dân là rất cao - tính tới thời điểm này, 244/245 trường hợp đã bàn giao mặt bằng. Không chỉ thành công trong công tác GPMB, tham vọng của chúng tôi là tuyến đường này phải trở thành một tuyến đường đẹp và chuẩn của Hà Nội cả về quy hoạch và kiến trúc, sẽ không có nhà đua ban công ra vỉa hè, không có nhà siêu mỏng siêu méo, các công trình phải được phê duyệt về kiến trúc đô thị, tránh thò ra thụt vào, nhà cao nhà thấp.
- Ông có chắc chắn rằng, trên tuyến đường đó sẽ không có nhà siêu mỏng, siêu méo?- Tôi khẳng định như vậy vì qua khảo sát, trên tuyến đường này có 21 trường hợp cần phải hợp thửa, hợp khối, hơn một năm qua chúng tôi đã tham mưu, định hướng để người dân đến được với nhau, cùng nhau bàn bạc và thỏa thuận. Như vậy, lợi ích của người dân được bảo đảm, còn chính quyền thì thể hiện rõ vai trò của mình trong công tác quản lý, điều hành.
- Theo ông, trong công tác GPMB, đâu là khó khăn đối với cấp cơ sở?- Xét cho cùng, trong mọi dự án, quận và phường là cấp cơ sở trực tiếp thực hiện công tác GPMB. Như tôi đã nêu, với nhiều dự án, không phải chúng ta đều thực hiện được đồng bộ các công việc trong GPMB. Nếu “ông” này chạy 100m nhưng “ông” kia mới chạy 50m thì các việc khó khớp được với nhau, ví dụ như người dân thống nhất phương án đền bù rồi nhưng chủ đầu tư chưa bố trí được nguồn kinh phí chi trả, hoặc người dân bàn giao mặt bằng nhưng lại thiếu quỹ nhà tái định cư… trong những trường hợp đó, cấp cơ sở như chúng tôi rất khổ. Ở khía cạnh khác, cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Nhà nước và thành phố luôn có những thay đổi với từng giai đoạn, khi dự án kéo dài thì có nhiều cơ chế, chính sách áp dụng trong những thời điểm khác nhau, dẫn đến nhiều bất cập, có những trường hợp người dân nghiêm túc chấp hành chủ trương GPMB lại là người chịu thiệt… Do đó, cần sự thống nhất cách thức giải quyết đối với từng dự án cũng như đối với các dự án và có những căn cứ để bố trí cơ chế đặc thù.
- Với những cách thức đã triển khai trong công tác GPMB tại địa bàn quận Cầu Giấy, theo ông, đâu là mấu chốt vấn đề, quyết định trực tiếp hiệu quả của công việc này?- Tôi cho rằng, trước hết đó là sự coi trọng đặc biệt của cả hệ thống chính trị đối với công tác này. Khi đã có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác GPMB đối với sự phát triển của địa phương, đối với tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thì sẽ có những biện pháp, cách làm phù hợp với thực tế. Trong đó không thể không nhắc tới vai trò và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trên cương vị được giao phó và đặc biệt là sự sâu sát với công việc, lắng nghe tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân để tìm cách tháo gỡ các vấn đề phát sinh. Tóm lại là phải đặt quyền lợi của người dân vào vị trí trung tâm của công tác GPMB.
- Cảm ơn ông về những nội dung đã trao đổi!