Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đặt lợi ích người dân lên trên hết

Nữ Quỳnh| 19/11/2016 07:13

(HNM) - Thủ đô Hà Nội đang trên đà phát triển mạnh mẽ về hạ tầng, kéo theo đó là việc thực hiện giải phóng mặt bằng cho các dự án ở mức độ cao, và thành phố đã có chính sách xây dựng nhà tái định cư cho các hộ bị thu hồi đất. Sẽ không có chuyện gì để bàn nếu đó chỉ là một sự “dịch chuyển”.


Với đa số người thì sự tác động khi bị thu hồi đất không chỉ là thiệt hại hữu hình có thể cân, đo đong đếm, mà ẩn sau nó là những thiệt hại vô hình như mất địa thế kinh doanh, thay đổi không gian sống, điều kiện làm việc (đi lại), cơ hội thụ hưởng hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, giải trí…), thậm chí sự tác động chỉ đơn giản là hụt hẫng khi phải rời bỏ ngôi nhà chất chứa kỷ niệm, phải xa cách hàng xóm tình nghĩa…

Thực tế còn phải kể đến vấn đề chất lượng nhà tái định cư không cao, xây dựng đại trà nên chất lượng thấp hơn nhu cầu của người dân, hoặc quá trình quản lý còn bất cập gây căng thẳng trong đời sống. Trong khi Nhà nước cũng gặp rất nhiều khó khăn về quy hoạch quỹ đất, về hạch toán đầy đủ chi phí tổ chức xây dựng nhà tái định cư, nhưng không phải hộ dân nào cũng có nhu cầu ở, gây lãng phí xã hội do nhiều nhà tái định cư không có người ở.

Nói như vậy để thấy, đánh giá tác động của việc tái định cư không thể chỉ nhìn như một sự di chuyển cơ học, mà còn cần phải nhìn từ góc độ nhân văn, từ chính quyền lợi của người dân.

Đánh giá sát thực tế và để tháo gỡ những bất cập trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, ngày 15-9-2016, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TU về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”. Có thể nói nghị quyết có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh tốc độ phát triển của Thủ đô trong những năm tới phụ thuộc rất lớn vào công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Thành phố xác định việc đa dạng hình thức tái định cư, trong đó khuyến khích các hộ gia đình đủ điều kiện tái định cư được nhận hỗ trợ bằng tiền để tự lo tái định cư theo phương thức tự nguyện.

Và để cụ thể hóa chủ trương này, ngày 8-11-2016, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 47/2016/QĐ-UBND phê duyệt mức hỗ trợ tự lo tái định cư bằng tiền đối với trường hợp được bố trí nhà tái định cư (mức 6.800.000 đồng/m2).

Như vậy, Hà Nội đã tạo hành lang cho người bị thu hồi đất được lựa chọn nơi ở mới phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu thực sự. Điều này thể hiện sự quan tâm của thành phố đối với đời sống, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người có đất bị thu hồi.

Hiện nay tại Hà Nội, do giá đền bù giải phóng mặt bằng chưa xác định sát giá thực tế nên lâu nay vẫn bán nhà tái định cư theo giá thấp hơn giá thị trường. Cách làm này vô hình trung khuyến khích nhiều người dân tìm mọi cách để được nhận nhà tái định cư cho dù không thực sự có nhu cầu về nhà ở, nhận nhà cốt để bán lấy chênh lệch. Do đó, để chủ trương của thành phố đi vào cuộc sống, một trong những yêu cầu cần thiết là giá đất nền và giá căn hộ tái định cư phải được xác định theo giá giao dịch thực tế thị trường.

Khi đó, chắc chắn người dân sẽ có xu hướng nhận tiền để tự lo chỗ ở phù hợp về địa bàn, diện tích, chất lượng... Điều này trước hết là vì lợi ích của người dân, đồng thời sẽ giúp thành phố giảm áp lực về công tác chuẩn bị tái định cư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đặt lợi ích người dân lên trên hết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.