(HNM) - Không chỉ giữ vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn theo hướng hiện đại, hiệu quả, việc hình thành và phát triển cụm công nghiệp còn góp phần giải quyết việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho đông đảo người lao động địa phương, giảm ô nhiễm môi trường.
Xác định rõ tầm quan trọng đó, những năm qua thành phố Hà Nội đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm phát triển các cụm công nghiệp, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về mặt bằng sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Tuy nhiên, do một số khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời như: Công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thủ tục về đất đai, cấp phép xây dựng, hay năng lực triển khai của một số chủ đầu tư còn hạn chế… dẫn đến việc triển khai khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố bị chậm lại. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, trong năm 2021, các địa phương phải khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2019-2020, song đến nay, mới có 2 cụm công nghiệp được khởi công.
Hiện nay, nhu cầu mặt bằng mở rộng sản xuất, kinh doanh nói chung rất lớn, nhất là các làng nghề Thủ đô. Tại nhiều làng nghề, do thiếu mặt bằng sản xuất nên hầu hết các hộ dân phải sản xuất ngay trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Một số địa phương còn xuất hiện tình trạng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, gây khó khăn cho công tác quản lý. Thực tế này càng đòi hỏi phải đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp.
Để có thể khởi công 41 cụm công nghiệp còn lại theo đúng tiến độ đề ra, các cấp, ngành, địa phương của thành phố cần thực hiện tốt Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 17-3-2022 của UBND thành phố Hà Nội về khắc phục những hạn chế, khuyết điểm về đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn chậm tiến độ trên địa bàn. Trong đó, tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp UBND thành phố đã chỉ đạo để tháo gỡ từng "nút thắt" đang ảnh hưởng đến tiến độ khởi công xây dựng các dự án cụm công nghiệp, phù hợp với điều kiện thực tế.
Cụ thể, để giải quyết những vướng mắc về thủ tục đất đai, các sở, ngành hữu quan, địa phương tích cực phối hợp với các bộ, ngành đề xuất giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án có sử dụng từ 10ha đất trồng lúa trở lên. Bên cạnh đó, cần tập trung tháo gỡ vướng mắc trong xác minh nguồn gốc đất, thúc đẩy tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng; hoàn thiện hồ sơ, cưỡng chế xử lý các trường hợp cố tình không chấp hành chủ trương xây dựng cụm công nghiệp, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.
Về phía các địa phương, cùng với việc phối hợp tháo gỡ từng vướng mắc hiện hữu, cần đẩy nhanh việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các cụm công nghiệp theo thẩm quyền; cấp phép xây dựng đối với cụm công nghiệp đã đủ điều kiện, không được gây khó khăn cho chủ đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân có đất bị thu hồi xây dựng các cụm công nghiệp đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định.
Chỉ khi nào những khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ, các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp mới được khởi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về mặt bằng sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.