(HNM) - Với vai trò trung tâm kinh tế của vùng và là thị trường lớn, tập trung đông dân cư, việc xây dựng hệ thống thương mại đủ lớn mạnh để đáp ứng yêu cầu của người dân có ý nghĩa rất quan trọng với Hà Nội. Thời gian qua, công tác quy hoạch và đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thương mại của Thủ đô đã có những kết quả nhất định, nhưng vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới.
Nhiều trung tâm thương mại dù được đầu tư lớn nhưng chỉ có số ít thu hút được khách hàng, còn lại rơi vào cảnh đìu hiu, vắng vẻ. Một số khu chợ truyền thống của Hà Nội được chuyển đổi sang mô hình chợ kết hợp trung tâm thương mại như chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam, chợ Bưởi... đều vắng khách.
Trong khi đó, mặc dù hệ thống cửa hàng tiện ích phát triển mạnh mẽ nhưng chỉ có số ít doanh nghiệp đầu tư bài bản, có hệ thống (như VinMart+) còn lại là tự phát, nhỏ lẻ gây khó khăn cho công tác quản lý. Điều đó thể hiện qua mạng lưới cửa hàng phân bổ không đều; số lượng, quy mô không phù hợp với mật độ dân số trên toàn thành phố nói chung, cục bộ từng khu vực nói riêng...
Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên có nhiều, song chủ yếu là việc xây dựng hạ tầng thương mại thời gian qua gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguồn lực và phương thức điều hành, quản lý chưa hiệu quả. Hiện quỹ đất trong khu vực nội đô hạn hẹp nên khó bố trí mặt bằng cho các khu thương mại, dịch vụ. Tại khu vực ngoại thành, nhu cầu và thu nhập của người dân hạn chế nên khó phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại. Cùng với vấn đề hạ tầng thì công tác quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thương mại sao cho hiệu quả cũng đang là thách thức lớn đối với các nhà đầu tư và chính quyền.
Nhằm thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 117/KH-UBND, triển khai phát triển thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Theo đó, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, phát triển 52 trung tâm mua sắm; 1.000 cửa hàng tiện ích; 1.000 máy bán hàng tự động đặt tại các địa điểm công cộng... Tuy nhiên, hiện tại thành phố mới có 22 trung tâm thương mại, 124 siêu thị, 454 chợ và khoảng 700 cửa hàng tiện ích kinh doanh tổng hợp… Với sự phát triển và hội nhập không ngừng của thành phố, việc phát triển hạ tầng thương mại đang là đòi hỏi bức thiết, cần sự nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp và chính quyền các cấp.
Thực tế cho thấy, mỗi mô hình thương mại ra đời cần phải được nghiên cứu kỹ càng về quy hoạch và đánh giá thị trường, đồng thời chuyên nghiệp hóa quá trình vận hành, phục vụ khách hàng, học hỏi phương thức quản lý hiệu quả của các mô hình đã thành công. Do vậy, để thu hút, hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hạ tầng hệ thống thương mại trong một chiến lược phát triển tổng thể, trước tiên cần phải tạo cơ chế, chính sách phù hợp. Trong đó tập trung hợp tác quốc tế, liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm để khắc phục các khó khăn về vốn, công nghệ, nhân lực...
Về mặt chủ quan, các sở, ngành rà soát, đánh giá việc khắc phục hạn chế, tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, qua đó không ngừng đổi mới phương thức kinh doanh, theo hướng văn minh, hiện đại để thu hút khách. Với sự đầu tư bài bản, nâng cao chất lượng dịch vụ, giá cả và tận dụng tối đa những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tin rằng hệ thống thương mại trên địa bàn Thủ đô sẽ phát triển đồng bộ, từng bước tiếp cận các xu hướng thương mại quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong quá trình phát triển kinh tế của Thủ đô và đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.