(HNM) - Những năm gần đây, nước ta phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức lớn cả ở trong và ngoài nước, đặc biệt là những biến động về chính trị, khủng hoảng nhiên liệu, lương thực, sự gia tăng dịch bệnh... trên toàn cầu đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, nhất là khi nền kinh tế nước ta có độ mở ngày càng lớn. Trong bối cảnh đó, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế được ví là những “đập chắn sóng” vững chắc, củng cố sức mạnh nội sinh, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Ổn định kinh tế vĩ mô có vai trò quan trọng, bao trùm trên nhiều phương diện. Vì thế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô là yêu cầu tất yếu, quan trọng và xuyên suốt trong quá trình phát triển. Bằng hàng loạt giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn, với sự quyết liệt, đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nền kinh tế nước ta đã phục hồi toàn diện sau đại dịch Covid-19.
Nhìn tổng thể, 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được đẩy mạnh; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; vai trò, vị trí, uy tín của đất nước được củng cố, tăng cường...
Trong “bức tranh” sáng đó, có thể điểm xuyết một vài nét đột phá như: Tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) đạt 6,42%, 44/63 tỉnh, thành phố tăng trưởng trên 6% - điều này cho thấy sự tăng trưởng đồng đều ở các khu vực và địa phương. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu phát triển ổn định, nhiều lĩnh vực phục hồi nhanh, như xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt xấp xỉ 28 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện 6 tháng đạt trên 10 tỷ USD (cao nhất trong 5 năm qua), tăng 8,9% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động là 117.000 (lần đầu tiên vượt mốc 100.000 doanh nghiệp), tăng 25,4% so cùng kỳ...
Đánh giá cao những kết quả trên, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... đều dự báo Việt Nam tăng trưởng khá trong năm 2022.
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vẫn luôn nhấn mạnh, phải ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các cấp, các ngành, các địa phương trong giai đoạn hiện nay.
Đề cập các giải pháp để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ này tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tổ chức ngày 4-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ, tinh thần chỉ đạo chung là tuyệt đối không chủ quan, lơ là, luôn giữ vững nguyên tắc cơ bản nhưng chủ động, linh hoạt, sáng tạo, biến nguy thành cơ, tận dụng tốt cơ hội để phát triển bền vững. Cần thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn và thận trọng; ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả… Cùng với đó là siết chặt kỷ luật, kỷ cương đầu tư công. Quản lý chặt chẽ giá cả, phòng, chống đầu cơ, tích trữ găm hàng; bảo đảm nguồn cung xăng dầu, năng lượng; đẩy mạnh chuyển đổi và sử dụng tiết kiệm năng lượng, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Bảo đảm an ninh lương thực trong bất cứ hoàn cảnh nào…
Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, dịch Covid-19 vẫn là tình trạng khẩn cấp về y tế. Vì thế, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp cũng như mỗi người dân không lơ là, chủ quan trước dịch bệnh; nên tiêm mũi vắc xin tăng cường theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Đồng thời, nắm bắt diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới để có kế hoạch mua sắm nguyên, vật liệu, không để đứt gãy trong sản xuất, giao thương, xuất khẩu…
Các chuyên gia khuyến cáo, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô cần được thực hiện đồng thời với cơ cấu lại nền kinh tế trên các ngành, lĩnh vực. Trên đà nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ, cộng đồng doanh nghiệp cần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế vĩ mô. Để thuận lợi cho khối doanh nghiệp, các cấp, ngành cần tiếp tục cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo hệ sinh thái đồng bộ nhằm khơi thông mọi điểm nghẽn cho nền kinh tế...
Để vượt lên khó khăn, thách thức với những ẩn số khó đoán định đang ở phía trước, không có con đường nào khác ngoài việc cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân cùng đồng lòng thực hiện nhiệm vụ “ưu tiên”, “trọng tâm, cấp bách” mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ ra. Đó là giải pháp căn cơ để ngăn những “con sóng” tiêu cực đang tiềm ẩn, tạo nền tảng bền vững phục hồi, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.