(HNMO) - Ngày 29-5, Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Hội Tim mạch học Việt Nam với Văn phòng đại diện MERCK Việt Nam về chương trình đào tạo liên tục một số bệnh lý tim mạch 2016 đã diễn ra tại Hà Nội.
Chương trình sẽ giúp các bác sĩ cập nhật các thông tin, bổ sung kiến thức chuyên ngành. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng sẽ được chia các ca lâm sàng, tình huống đặc biệt để nâng cao tay nghề.
Theo quy định của Bộ Y tế, sau khi tốt nghiệp ra trường, các bác sĩ có 18 tháng thực hành, sau đó được cấp chứng chỉ hành nghề một lần. Trong thời gian 2 năm hành nghề, các bác sĩ nếu không cập nhật kiến thức y khoa liên tục đủ 48 tiết sẽ bị thu hồi chứng chỉ. Theo TS Nguyễn Ngô Quang, hiện TP Hồ Chí Minh đang đề xuất thí điểm kiểm tra phòng khám, bệnh viện tư nhân về việc cập nhật kiến thức của các y bác sĩ có chứng chỉ hành nghề. Khi triển khai việc kiểm tra trước hết nhắc nhở để nhân viên y tế tuân thủ. Thế nhưng, đến cuối năm 2016 sẽ thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế là thu hồi chứng chỉ nếu bác sĩ không tuân thủ cập nhật liên tục kiến thức y khoa.
TS Nguyễn Ngô Quang cho rằng, kiến thức y khoa (trong chẩn đoán, sử dụng thuốc…) thay đổi liên tục nên các bác sĩ luôn phải cập nhật kiến thức mới, nhất là ở tuyến y tế cơ sở. Điều này giúp giảm rủi ro, tránh xảy ra những tai biến trong quá trình khám chữa bệnh, như vậy, người được hưởng lợi sẽ là bệnh nhân.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 1/3 dân số mắc bệnh tăng huyết áp, trong số đó có 1/3 dân số không biết mình đang mắc bệnh và có 1/3 dân số biết và đang điều trị tăng huyết áp nhưng không đạt được mục tiêu điều trị. Theo điều tra dịch tễ học gần đây tại 8 tinh và thành phố của nước ta thì tỷ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên là 47,3%. Tiến trình bệnh lý trong chuỗi bệnh lý tim mạch bắt nguồn từ tăng huyết áp cùng các yếu tố nguy cơ kèm theo (như: lối sống thiếu vận động, rối loạn về lipid máu, uống nhiều rượu bia, đái tháo đường, các stress…) sẽ càng góp phần thúc đẩy sự tiến triển của những bệnh lý khác như: Bệnh mạch vành, suy tim, suy thận, tai biến máu não…, thậm chí gây đột tử cho người bệnh.
Được biết, chương trình ký kết trên sẽ thực hiện trong giai đoạn 2016-2018 với 6 khoá đào tạo trên phạm vi toàn quốc, ở 5 khu vực chính (gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, khu vực miền Trung, khu vực Mê kông và miền Bắc). Dự kiến sẽ cấp khoảng 600 chứng nhận đào tạo liên tục cho các bác sĩ tham dự. GS.TS Nguyễn Lân Việt cho rằng, Hội Tim Mạch học Việt Nam là Hội đầu tiên được Bộ Y tế chính thức cấp mã cơ sở đào tạo liên tục (Mã B68), công nhận chương trình và được cấp giấy chứng nhận đào tạo liên tục cho học viên tham dự.
Thông qua chương trình, MERCK Việt Nam và Hội tim mạch học Việt Nam muốn đóng góp, chia sẻ một phần trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Hoạt động nhân bản này cũng tạo ra cơ hội cho các bác sĩ cập nhật kiến thức mới trong lĩnh vực tim mạch, được gặp gỡ và giao lưu với đồng nghiệp, bạn bè cùng chuyên môn, chí hướng. Hơn thế nữa, với sức lan tỏa của chương trình mang ý nghĩa thiết thực này, công chúng sẽ có thêm nhiều niềm tin vào sự tiến bộ trong y học nói chung và ngành tim mạch nói riêng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.