Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đào tạo nghề năm 2010: Có tạo được đột phá?

Thanh Hà| 21/01/2010 07:44

(HNM) - Để chuẩn bị cho bước đột phá trong công tác dạy nghề giai đoạn 2011-2020, Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH xác định sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện chỉ tiêu dạy nghề năm 2010.

Thanh niên được đào tạo nghề tại Trường Dạy nghề nông, công nghiệp Quảng Bình. Ảnh: Hồng Hóa - TTXVN


Nhìn từ thực tiễn

Theo Tổng cục Dạy nghề, từ năm 2006 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng 164 chương trình khung trình độ cao đẳng, trung cấp nghề. Trong số này, 114 chương trình khung đã được ban hành, 50 chương trình khung đã tổ chức thẩm định. Đến nay, các trường đều căn cứ chương trình khung để đào tạo, gồm 70% kiến thức, kỹ năng bắt buộc và 30% phần tự chọn do các trường tự biên soạn chương trình. Đối với 30% chương trình tự chọn, các trường phải căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động theo ngành, vùng để biên soạn, hoàn thiện chương trình và tự tổ chức thẩm định, phê duyệt đưa vào áp dụng trong đào tạo.

Việc xây dựng chương trình khung sẽ giúp các trường vừa có chuẩn mực nhất định theo yêu cầu chung, vừa có "độ mở" để nâng cao trình độ đào tạo. Nhiều trường còn được phép chủ động tham khảo chương trình đào tạo của các trường nước ngoài, giúp học viên nâng cao tay nghề, có khả năng sử dụng các loại máy móc, công nghệ hiện đại.

Trên thực tế, 164 chương trình khung trình độ cao đẳng nghề đã được xây dựng nhưng 30% còn lại vẫn chưa được nhiều trường bổ sung và ít có khả năng phát triển. Theo Tổng cục Dạy nghề, lẽ ra với 30% chương trình còn lại, các trường cần thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình khung nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực của doanh nghiệp và thị trường lao động nhưng hầu hết các trường vẫn chưa làm được điều này.

Liệu có tạo được đột phá?
Theo kế hoạch, chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo nghề năm 2010 này sẽ tăng 17% so với năm 2009, tập trung đẩy mạnh chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập cho người lao động.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, để đạt được mục tiêu của năm mới và khắc phục những hạn chế của công tác đào tạo nghề năm 2009, Tổng cục sẽ chú trọng đẩy mạnh và phát triển hệ thống quản lý, kiểm soát chất lượng dạy nghề. Tiếp tục kiểm định chất lượng cơ sở dạy nghề và tiến tới thực hiện kiểm định chương trình đào tạo, đẩy nhanh kiểm định chất lượng đào tạo ở các cơ sở dạy nghề. Nhiệm vụ trọng tâm của năm 2010 là hoàn thành việc thành lập và tập trung đầu tư trung tâm dạy nghề tại 63 huyện nghèo nhằm hỗ trợ tạo việc làm tại chỗ, xóa nghèo bền vững. Năm 2010 và những năm tiếp theo, dạy nghề sẽ được chú trọng theo chiều sâu, phát triển các trường cao đẳng, trung cấp nghề có năng lực đào tạo một số nghề đạt chuẩn quốc gia.

Trong đó, lựa chọn những nghề, những trường có năng lực để đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật đạt trình độ tiên tiến của các nước công nghiệp phát triển cho các ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế trọng điểm và xuất khẩu lao động. Cụ thể, mỗi tỉnh có một trường có năng lực đào tạo ít nhất 2 nghề đạt chuẩn quốc gia và từng vùng, khu vực có 1 trường cao đẳng nghề tiếp cận trình độ dạy nghề tiên tiến của các nước ASEAN. Bên cạnh đó, Tổng cục sẽ chỉ đạo các cơ sở dạy nghề chuyển mạnh từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở dạy nghề sang dạy nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp và theo thị trường lao động, tiến tới đào tạo nghề theo vị trí làm việc, theo địa chỉ sử dụng... từng bước nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 50%.

Để làm được việc này, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành, hội nghề nghiệp triển khai xây dựng 85 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, trong đó 10 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề trong lĩnh vực xây dựng đã được Bộ Xây dựng thẩm định để ban hành. Ngoài ra, các đơn vị liên quan cũng đã tổ chức biên soạn ngân hàng câu hỏi lý thuyết và bài thi thực hành đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cho 2 nghề là cơ điện tử và thiết kế website.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nghề năm 2010: Có tạo được đột phá?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.