(HNM) - Trong những năm gần đây, kiểm toán và kế toán đã trở thành hai ngành
"Cầu" nhân lực lớn
Hoạt động nghiệp vụ của Kiểm toán Nhà nước tại Tổng công ty Hóa chất Việt |
Hiện tại, ngành kiểm toán có khoảng 150 công ty đăng ký hành nghề, có tốc độ phát triển đáng kể khi năm 1991 chỉ có 2 công ty kiểm toán độc lập với 15 nhân viên. Đến thời điểm này, ngành kiểm toán thu hút khoảng 8.000 nhân lực. Tại hội thảo định hướng chuyên ngành do Đại học Anh quốc (BUV) vừa tổ chức, Tổng Giám đốc Công ty PriceWaterHouseCoopers Ian Lydall cho rằng nhân lực phục vụ ngành kế toán, kiểm toán của Việt Nam trong những năm gần đây dần được nâng cao về chất và lượng, thể hiện qua việc tăng số lượng kiểm toán viên, kế toán viên đạt chứng chỉ hành nghề quốc tế như: ACCA (Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh), CPA (Australia), CPA (Singapore)... Tuy nhiên, với hơn 460 nghìn doanh nghiệp (dự tính sẽ tăng lên hơn 500 nghìn doanh nghiệp hết năm 2010), số lượng công ty đại chúng và niêm yết ngày càng tăng, theo đánh giá của Hội Kiểm toán hành nghề Việt Nam (VACPA), các công ty kiểm toán không chỉ thiếu trầm trọng nhân lực mà còn khó có thể bảo đảm chất lượng dịch vụ. Riêng năm 2009, toàn ngành chỉ có 33 công ty và 416 kiểm toán viên đủ điều kiện kiểm toán được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công nhận.
Lĩnh vực kiểm toán đang khát trầm trọng nhân lực. Trong khi đó, về môi trường kinh doanh, cũng theo ông Ion Lydall, hệ thống pháp luật về kế toán, kiểm toán của Việt Nam trong 10 năm qua liên tục được phát triển và hoàn thiện, ngày càng tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp hơn với yêu cầu của nền kinh tế chuyển đổi. Cụ thể, giai đoạn 2004-2006, Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện căn bản hệ thống khuôn khổ pháp luật về kế toán cho phù hợp với Luật Kế toán 2003 và thông lệ quốc tế. Chính sự phát triển năng động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng với việc Nhà nước từng bước bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện môi trường pháp lý sẽ tạo ra những cơ hội mới cho nguồn nhân lực bổ sung trong tương lai ở lĩnh vực này.
Thế tương hỗ đào tạo - doanh nghiệp
Kiểm toán, kế toán có những yêu cầu đặc trưng so với những ngành khác, đòi hỏi tính trung thực, thận trọng - những yêu cầu tối cần thiết bởi gắn liền với tài liệu, sổ sách, giấy tờ chứa đựng những con số "biết nói" về tình hình tài chính doanh nghiệp. Bên cạnh nền tảng kiến thức, sinh viên cần có tư duy phân tích cao, giỏi tính toán, kỹ năng viết và khả năng chịu đựng áp lực công việc. Đào tạo kế toán - kiểm toán viên có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng lao động và chất lượng dịch vụ kế toán - kiểm toán. Song ông Ion Lydall đánh giá, công tác đào tạo chưa thực sự đúng phương pháp: "Đào tạo kế toán ở các trường, học viện của Việt Nam có phần giới hạn người học quyền lựa chọn các khối kiến thức phù hợp với khả năng của mình về phát triển nghề nghiệp sau này. Cách đào tạo này cung cấp một khối kiến thức như nhau cho mọi sinh viên, trong khi thực tế nhiều sinh viên có nhu cầu chuyên sâu về mảng kế toán quản trị, hệ thống thông tin, hay kiểm toán... tạo ra một khối lượng kiến thức nhiều, rộng nhưng không chuyên sâu. Tôi cho rằng cần xây dựng các trường trọng điểm đào tạo kế toán, kiểm toán, theo đó sớm thành lập đại học kế toán và kiểm toán, đồng thời tách riêng chuyên ngành kiểm toán khỏi kế toán hoặc khoa quản trị kinh doanh ở các trường".
Cũng trong hội thảo tư vấn và định hướng chuyên ngành của BUV, ông Ion đề xuất mô hình tương hỗ đào tạo - doanh nghiệp. Chẳng hạn, trong tương lai, PriceWaterHouseCoopers sẽ phối hợp với BUV xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, bổ trợ cho sinh viên như tổ chức hội thảo về kiến thức chuyên ngành, kỹ năng nghề nghiệp... bảo đảm có "sản phẩm" đầu ra chất lượng, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng.
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành, đổi mới công tác đào tạo kế toán - kiểm toán đang là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay. Nếu như không thay đổi kịp thời, trong tương lai, ngành kế toán, kiểm toán còn "khát" nhân lực trầm trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.