Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Bùi Như Lai: Tình yêu với sân khấu đã được đền đáp

Mai Đình| 11/12/2022 07:58

(HNMCT) - Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Bùi Như Lai sinh năm 1979. Sau những năm tháng gắn bó với sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ, giờ đây, anh đảm nhiệm vai trò Phó Trưởng khoa Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Ở độ chín của nghề, anh đã có được thành công trong vai trò đạo diễn sân khấu, tham gia đào tạo các thế hệ sinh viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

- Chúc mừng anh với Huy chương Vàng và Huy chương Bạc trong vai trò đạo diễn 2 tác phẩm “Ê-đíp làm vua” của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và “Đến bến bờ kia” (Đoàn Kịch nói Hải Phòng) tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm 2022. Anh có thể chia sẻ cho bạn đọc biết về hai vở kịch này?

- Tôi đã tham gia 4/5 kỳ Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm với nhiều vai trò khác nhau. Kỳ đầu tiên tôi tham gia trong chương trình độc diễn của NSND Lan Hương, dưới sự dàn dựng của NSND Lê Hùng. Những kỳ sau tôi tham gia với vai trò diễn viên biểu diễn và biên đạo hình thể. Năm nay, tôi tham gia liên hoan trong vai trò đạo diễn của hai tác phẩm.

Theo tôi, “Đến bến bờ kia” là vở diễn tương đối hiện đại, chuyển tải được thông điệp ý nghĩa cũng như đáp ứng được những tiêu chí của sân khấu thử nghiệm. Còn “Ê-đíp làm vua” là một vở bi kịch thời cổ đại của nhà viết kịch Sophocles, là thử thách dàn dựng đối với bất cứ đạo diễn hay các nghệ sĩ biểu diễn bởi tầm vóc tư tưởng của tác phẩm cũng như những mâu thuẫn, xung đột, diễn biến tâm lý vô cùng phức tạp của các nhân vật.

- Dường như anh lại có duyên với những tác phẩm sân khấu của Hy Lạp cổ đại. Phải chăng những vở diễn ấy thỏa mãn khát khao với sân khấu của anh?

- Tôi có duyên với các tác phẩm kinh điển và đó là cơ may với tôi. Tôi dựng “Ê-đíp làm vua” vào năm 2020. Đó là khi Ban Giám hiệu Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đề nghị tôi dựng một vở bi kịch cổ đại Hy Lạp và tôi đã chọn vở diễn này để dựng cho các bạn sinh viên, với mong muốn tạo cơ hội để các bạn ấy thể hiện khả năng trong khuôn khổ một liên hoan giữa các trường nghệ thuật trong khu vực châu Á. Năm 2021, có một dự án của Viện Goethe tại Việt Nam nhằm tái hiện hình tượng nhân vật Antigone trên sân khấu. Tôi may mắn là một trong những người được chọn để dàn dựng vở kịch này.

Trong hành trình làm nghề, tôi may mắn được gắn bó với các nghệ sĩ tên tuổi của sân khấu nước nhà, như NSND Lê Hùng, NSND Anh Tú, NSND Lan Hương. Họ đều là những người yêu sân khấu một cách đắm đuối và tôi chịu ảnh hưởng từ họ rất nhiều. Tôi từng làm việc với NSND Lê Hùng trong vở “Mắc-bét”, với NSND Anh Tú qua vở “Mê-đê”,“Ê-đíp làm vua”... Chính hành trình đó đã nhen nhóm trong tôi suy nghĩ rằng mình sẽ làm mới các tác phẩm ấy. Đó là động lực, là khao khát bởi tôi không muốn dừng lại. Sân khấu cũng giống như đời sống, luôn vận động. Sự khao khát sáng tạo của các thế hệ nghệ sĩ rất mãnh liệt.

Tôi may mắn khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chọn làm đạo diễn vở “Chén thuốc độc” (nhà viết kịch Vũ Đình Long) để kỷ niệm 100 năm sân khấu Việt Nam (năm 2021). Có người băn khoăn rằng, tại sao lại chọn một người trẻ như thế để làm tác phẩm đã đóng đinh vào sân khấu Việt Nam. Điều này không thể giải thích được. Đó là câu chuyện của nghệ thuật sân khấu chứ không phải nhờ những mối quan hệ. Tôi may mắn có chút thực lực và được sự ủng hộ rất lớn của các nghệ sĩ, các nhà hát và đặc biệt là các cơ quan quản lý. Tình yêu của tôi với sân khấu đã được đền đáp.

- Những tác phẩm sân khấu truyền thống của chúng ta đã được khẳng định qua thời gian, cần được lan tỏa rộng hơn đến công chúng trong và ngoài nước. Tại sao anh không dựng lại những vở diễn đó, thay vì dựng vở của nước ngoài?

- Nếu như bạn để ý thì văn hóa nghệ thuật của chúng ta đang ở trạng thái đợi. Đạo diễn đợi các nhà hát mời rồi mới tư duy. Diễn viên thì ngồi đợi các đoàn làm phim, các đạo diễn hoặc ban giám đốc các nhà hát phân vai. Tác giả cũng đợi các nhà hát đặt hàng rồi mới viết. "Tinh thần đợi" ấy chắc chắn sẽ làm giảm bớt sự sáng tạo trong mỗi chúng ta. Khi xưa, các nhà viết kịch tên tuổi viết kịch bản sân khấu là để thỏa mãn khao khát sáng tạo, mong muốn tạo ra những tác phẩm theo kịp thời đại và phù hợp với nhu cầu của số đông khán giả.

Thực sự, đôi khi tôi cũng rơi vào trạng thái đợi. Vì nếu lựa chọn một tác phẩm truyền thống thì phải có một đơn vị nào đó sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm làm mới nó. Điều này cũng đặt ra bài toán cho những người làm sân khấu. Nhưng, tôi vẫn tin rằng, nếu nỗ lực thì trong một tương lai không xa, chúng tôi sẽ làm mới được sân khấu Việt Nam.

- Anh có bao giờ nghĩ mình sẽ xây dựng một sân khấu riêng giống như Lực Team của NSƯT Trần Lực?

- Tôi không lạc quan đến thế. Tôi cũng không thích bó buộc mình trong một không gian, hội nhóm riêng. Có lẽ là tôi hiểu rõ mình. Với chỗ này tôi sẽ làm theo hướng này, dựa trên nền tảng của họ. Với một đơn vị khác, tôi cũng phải dựa trên cơ sở của chính họ để dựng vở theo ý đồ nghệ thuật của tôi. Tôi nghĩ rằng, con đường đó sẽ giúp tôi phát huy được thế mạnh của mình. Chỉ một thứ thì không đủ thỏa mãn cá nhân mình. Tôi cần nhiều hơn!

- Trân trọng cảm ơn đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Bùi Như Lai: Tình yêu với sân khấu đã được đền đáp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.