(HNMCT) - Đạo diễn Lương Đình Dũng đóng góp cho nền điện ảnh Việt Nam tiếng nói riêng thông qua nhiều bộ phim như: "Cha cõng con", phim ngắn "Chuyện ông Mờ", phim tài liệu "Xẩm đỏ"... Sắp tới anh sẽ ra mắt bộ phim hành động “578”. Anh đã chứng minh: Dù đi trên con đường nào thì đích đến vẫn là điện ảnh.
- Anh học biên kịch tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, làm thế nào lại trở thành đạo diễn?
- Ban đầu tôi đã muốn làm đạo diễn. Khi đăng ký học tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, tôi có hỏi các bạn: “Nếu học đạo diễn thì mình làm bài tốt nghiệp hết bao nhiêu tiền?”. Các bạn ấy nói hết 7 triệu đồng. Những năm 1998 - 2000, mỗi tháng tôi chỉ có 150 nghìn đồng để tiêu mà thôi. Trong khi đó, thực hiện bài thi tốt nghiệp lớp biên kịch thì không mất tiền. Sau này, trong quá trình học, khi tôi viết kịch bản thì có vài người muốn sửa kịch bản của tôi vì họ là đạo diễn. Tôi đã suy nghĩ và quyết định mình phải tự làm phim thôi. Và tôi bắt đầu tiết kiệm tiền, rủ một số bạn tập làm phim. Lúc đó là năm 1999.
- Anh từng chia sẻ rằng mình đến với điện ảnh rất ngẫu nhiên. Anh có thể nói cụ thể về điều này?
- Có nhiều con đường để đến với điện ảnh, không nhất thiết phải tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn hay học ở một trường điện ảnh. Khi tập làm phim, tôi hoàn toàn làm theo cảm xúc. Tôi nghĩ rằng mình phải kể một câu chuyện văn học bằng điện ảnh. Tôi lại có lợi thế về tư duy hình ảnh. Viết kịch bản phim “Cha cõng con”, tôi phải lên Hà Giang rất nhiều lần. Khi làm kịch bản phim “578” thì lên Mộc Châu vào những ngày cuối tuần để cảm nhận không gian, thời gian... và tìm ra những hình ảnh đặc biệt. Có yêu mảnh đất ấy, thân thuộc mảnh đất ấy như trở về nhà thì làm phim mới hay được. Đừng để người xem có cảm giác “người lạ” làm phim.
- Yêu điện ảnh, thế nhưng anh cũng mất nhiều năm để “nắm bắt” được nó. Anh chuẩn bị mọi tiền đề, đặc biệt là về tài chính như thế nào để hiện thực hóa ước mơ của mình?
- Làm phim liên quan đến tiền và chúng ta phải lao động để kiếm thôi. Thời sinh viên tôi làm gia sư dạy văn, bán chè, kha khá hơn thì buôn xe máy ở chợ Phùng Hưng. Sau này tôi mới thấy mình thích làm phim quảng cáo. Đây cũng là một lĩnh vực khó. Sau 15 năm gắn bó với lĩnh vực này, tôi đã cố gắng tìm ra cấu trúc của nó. Nghề quảng cáo mang lại cho tôi một thứ vô cùng giá trị khi làm phim, đó là tính chuyên nghiệp và ý thức trách nhiệm.
- Nhân vật trong phim của Lương Đình Dũng “thật như đời”. Đó là nhận xét của rất nhiều người yêu điện ảnh, đặc biệt là sau khi xem phim “Cha cõng con”. Tiêu chí chọn nhân vật của anh như thế nào?
- Đầu tiên là người đó phải phù hợp với gương mặt trong câu chuyện mà tôi tưởng tượng. Tính cách của họ phải sát với nhân vật. Một người nóng nảy, hung hăng thì không thể đóng vai anh Mộc. Không dễ thay đổi nếu đó là bản tính mỗi người. Vì vậy, tôi phải tìm hiểu kỹ diễn viên Ngô Thế Quân (đóng vai anh Mộc). Anh ấy là người giản dị, chân thành.
- Tôi được biết, khi thực hiện những cảnh quay cho "Cha cõng con", anh và đoàn làm phim gặp không ít khó khăn, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng?
- Tôi chọn bối cảnh ở Bắc Mê (Hà Giang) từ nhiều năm trước. Trước đó, tôi đã đi dọc các tỉnh miền Trung, trở ra các tỉnh miền núi phía Bắc, cuối cùng mới tìm được Bắc Mê. Đó là một nơi rất đẹp. Tuy nhiên, nơi ấy ở phía trên đập thủy điện, thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ không biết đường nào mà lần. Tôi tự đặt mình vào một tình thế thực sự nguy hiểm. Nhưng tôi bắt buộc phải quay! Hồi ấy, quay xong thì hai ngày sau lũ tràn về. Nếu lũ đến trước hai ngày thì không thể ghi hình được, bởi như thế thì phim của tôi chẳng khác nào “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Với phim hành động “578”, tôi quay ở nhiều nơi của Mộc Châu (Sơn La), Yên Bái, Hải Phòng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...
- Làm phim tâm lý xã hội và bây giờ thử sức với phim hành động. Dường như anh muốn tạo bất ngờ?
- Sau khi làm xong phim “578”, tôi nghĩ rằng mình sẽ đi theo đề tài phim hành động và phim kinh dị. Tôi thấy mình hợp với hai lĩnh vực này hơn. “578” là một bộ phim thử thách tôi: Bối cảnh đa dạng, có sông nước, những trận đánh trong mưa, lại có sự tham gia của trẻ em...
Nhiều người bảo tôi tại sao lại lao vào một đề tài khó thế. Nhưng tôi nghĩ, nếu mình có một đội ngũ làm phim tốt thì sẽ không có vấn đề gì cả. Tôi có kinh nghiệm hợp tác với một số nền điện ảnh phát triển. Chúng ta có thể kế thừa thành tựu chuyên môn của những nền điện ảnh tiên tiến. Quan trọng là phải dẫn dắt người ta theo đúng ý đồ của mình.
- Cảm ơn anh đã chia sẻ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.