Thế giới

Đảo chiều quan hệ giữa Gruzia và phương Tây

Quỳnh Dương 14/07/2024 - 07:00

Mối quan hệ của Gruzia với các đối tác phương Tây đang trên đà trượt dốc sau khi Tbilsi ban hành Luật Tác nhân nước ngoài.

Lần đầu tiên kể từ năm 2008, Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không đề cập đến việc Gruzia sẽ trở thành thành viên trong tương lai. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đều dừng các tiến trình và hoạt động hợp tác quan trọng với Gruzia.

cuoc-tap-tran-noble-partner-giua-my-va-gruzia-da-bi-hoan-vo-thoi-han.-anh-georgia-today.jpg
Cuộc tập trận Noble Partner giữa Mỹ và Gruzia đã bị hoãn vô thời hạn. Ảnh: Georgia Today

Được ký ban hành đầu tháng 6 vừa qua, Luật Tác nhân nước ngoài của Gruzia đã vấp phải nhiều chỉ trích từ Mỹ và EU khi cho rằng, Tbilisi đang thực thi những chính sách nhằm hạn chế quyền lập hội và tự do báo chí.

Nội dung của luật yêu cầu các tổ chức nhận được hơn 20% nguồn tài trợ tài chính từ “thế lực nước ngoài” phải đăng ký với Bộ Tư pháp là "đại diện có ảnh hưởng nước ngoài". Trong đó, khái niệm "thế lực nước ngoài" được định nghĩa là các cơ quan chính phủ nước ngoài, các công dân nước ngoài, các pháp nhân được thành lập không theo pháp luật Gruzia, cũng như các quỹ, hiệp hội, công ty, nghiệp đoàn và các tổ chức, hiệp hội khác được điều chỉnh theo luật pháp quốc tế. Nếu không cung cấp thông tin về nguồn tài trợ nước ngoài, đối tượng vi phạm sẽ bị phạt 25.000 lari (9.360 USD), tiếp theo là mức phạt bổ sung 20.000 lari (7.490 USD) cho mỗi tháng không tuân thủ sau đó...

Giải thích về lý do theo đuổi dự luật này dù vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều, các nhà lập pháp thuộc đảng Giấc mơ Gruzia, đang giữ đa số ghế tại quốc hội cho rằng, dự luật sẽ có "tác dụng ngăn ngừa" các tổ chức phi lợi nhuận liên kết với phe đối lập. Đảng cầm quyền Gruzia cho rằng, cần bảo đảm tính minh bạch trong nguồn tài trợ nước ngoài của các tổ chức phi chính phủ và bảo vệ chủ quyền đất nước. Nói một cách cụ thể hơn, các nhà lãnh đạo Gruzia kỳ vọng luật này có thể ngăn chặn phương Tây cố gắng sử dụng người Gruzia làm "bia đỡ đạn" trong cuộc đối đầu với Nga.

Chính quyền Gruzia đã nhiều lần đề cập tới những nỗ lực từ bên ngoài nhằm kéo nước này vào "mặt trận thứ 2" đối đầu với Nga, đặc biệt là sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát. Các nhà lãnh đạo đảng cầm quyền cho rằng, tham gia vào xung đột dưới bất kỳ hình thức nào sẽ mang lại kết thúc thảm họa đối với Gruzia, trong khi nhiệm vụ của chính phủ là gìn giữ hòa bình trong nước. Mới đây, Thủ tướng Gruzia Irakli Kobakhidze tuyên bố, nước này đã ngăn chặn thành công các nỗ lực nhằm biến họ thành "Ukraine thứ 2" và Tbilisi sẽ cố gắng hết sức để kịch bản nói trên không xảy ra trong tương lai. Ông Irakli Kobakhidze nhấn mạnh rằng, Gruzia từng phải đối mặt với những mối đe dọa tương tự trong quá khứ và chính phủ sẽ không để bất cứ ai đẩy đất nước "vào tình trạng thảm khốc" như Ukraine.

Trước những động thái của Gruzia, Mỹ đã liên tục chỉ trích chính phủ Tbilisi và cho rằng, Luật Tác nhân nước ngoài khiến quốc gia này rời xa con đường châu Âu - Đại Tây Dương đang theo đuổi hơn 1 thập kỷ qua. Để bày tỏ sự phản đối, Bộ Ngoại giao Mỹ đã áp đặt các hạn chế về thị thực đối với một số quan chức cấp cao của Gruzia và cũng đang xem xét lại các dự án song phương. Gần đây, Lầu Năm Góc tuyên bố, Mỹ hoãn vô thời hạn các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn tại Gruzia, trong đó có tập trận Noble Partner dự kiến diễn ra từ ngày 25-7 đến 6-8 tới, do có những cáo buộc không đúng rằng, Washington đang ép Tbilisi gây chiến với Nga và tham gia các âm mưu đảo chính chống lại đảng cầm quyền ở Gruzia.

Tương tự với phản ứng của Washington, cách đây ít ngày, EU đã tuyên bố tạm ngừng xem xét quá trình gia nhập liên minh của Gruzia. Các nhà lãnh đạo khối này cũng đã phong tỏa khoản viện trợ quân sự trị giá 30 triệu euro (32 triệu USD) cho Tbilisi ở giai đoạn được đánh giá là "thấp điểm" trong quan hệ giữa hai bên.

Kể từ khi Liên bang Xô viết tan rã, Gruzia liên tục tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đối tác phương Tây, bao gồm cả EU và NATO. Tuy nhiên, thời gian gần đây quỹ đạo này bắt đầu “rung lắc” do bất ổn kinh tế, bất đồng nội bộ và áp lực địa chính trị, đặc biệt từ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Việc phê chuẩn Luật Tác nhân nước ngoài đánh dấu một sự thay đổi đáng kể lập trường thân phương Tây của Gruzia. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, động thái này cũng có thể được coi như một phần nỗ lực của Tbilisi nhằm cân bằng quan hệ giữa nước này với phương Tây và Nga.

Trong bối cảnh chỉ còn hơn 3 tháng nữa, cuộc bầu cử quốc hội Gruzia sẽ diễn ra, với việc các đảng chính trị đang hình thành liên minh mới và cuộc đối đầu phương Tây - Nga ngày càng gia tăng, nhiều nhận định cho rằng, đây sẽ là thời điểm then chốt cho định hướng đối ngoại của Gruzia trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảo chiều quan hệ giữa Gruzia và phương Tây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.