Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đánh thức tiềm năng của Quảng Ngãi

Lệ Hằng| 12/06/2012 06:19

(HNM) -


Nói là ít người biết đến Quảng Ngãi, như lời Bí thư Tỉnh ủy cũng chưa hẳn đúng. Bởi Quảng Ngãi là nơi có quá nhiều địa danh nổi tiếng như: Khu kinh tế Dung Quất, khu du lịch Mỹ Khê, biển Nghĩa An, cảng Sa Kỳ, khu chứng tích Sơn Mỹ, đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, di tích Hoàng Sa-Trường Sa trên đảo Lý Sơn gắn với Lễ khao lề tế lính Hoàng Sa độc đáo có một không hai, núi Ấn sông Trà…Và nhất là khu di tích Đặng Thùy Trâm-người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội và Bệnh viện Đặng Thùy Trâm mới được xây dựng gần đây đã kéo Quảng Ngãi gần hơn với Hà Nội.

Là một tỉnh Trung Trung bộ, giáp ranh với Quảng Nam, Bình Định và Kon Tum, có cả rừng lẫn biển, Quảng Ngãi có diện tích 5.198km2, dân số trên 1,2 triệu người, trong đó có 12,8% là người dân tộc thiểu số, sinh sống tập trung ở 6 huyện miền núi của tỉnh, chủ yếu là người dân tộc H're, Cor, Cadong, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Đây phần lớn lại là vùng căn cứ cách mạng, rất cần sự quan tâm của toàn xã hội. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nuớc về xây dựng khu kinh tế Dung Quất, nhất là việc hoàn thành đưa Nhà máy lọc dầu Dung Quất vào vận hành 100% công suất, cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia, đã góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. GDP bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 18,53%; kết cấu hạ tầng được nâng lên, đời sống nhân dân được cải thiện. Tuy kinh tế của tỉnh trong 5 năm qua có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng do điểm xuất phát của nền kinh tế thấp và lợi thế so sánh của từng ngành, từng vùng khác nhau nên sự phát triển chưa đồng đều. Hiện nay, cả 6 huyện miền núi của tỉnh đều nằm trong diện huyện đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, do chuyển dịch lao động chậm, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, nhân lực tại chỗ không đáp ứng được yêu cầu CNH nên cả khu kinh tế Dung Quất cần tới trên một nghìn lao động, nhưng chỉ có rất ít là lao động tại chỗ. Đây chính là một nghịch lý mà tỉnh đang đề xuất TƯ nhằm từng bước khắc phục, tháo gỡ''.

Tỉnh Quảng Ngãi rất mong muốn lãnh đạo TP Hà Nội quan tâm cùng với tỉnh thành lập "phân khu công nghiệp Hà Nội-Dung Quất" để thu hút các doanh nghiệp Hà Nội đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư các lĩnh vực công nghiệp tại đây. Đồng thời, tạo điều kiện hợp tác phát triển tuyến du lịch Hà Nội - Quảng Ngãi; bảo tồn, phục hồi, tôn tạo và khai thác, phát huy giá trị đối với di tích lịch sử Trường Lũy và di tích lịch sử Hoàng Sa - Trường Sa, tạo điểm nhấn cho du lịch miền Trung.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng cũng cho biết thêm, theo quy hoạch, đến năm 2030, TP Quảng Ngãi sẽ được xây dựng phát triển mở rộng, lấy sông Trà Khúc làm trọng tâm để phát triển ra phía bắc và phía đông, gắn kết chặt chẽ với khu kinh tế Dung Quất. Không gian đô thị TP Quảng Ngãi được xác định là hướng biển, liên kết với khu du lịch Mỹ Khê, biển Nghĩa An, cảng Sa Kỳ và tuyến kinh tế ven biển của tỉnh. Trước mắt, TP Quảng Ngãi tập trung đầu tư chỉnh trang, nâng cấp và mở rộng nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh để đến năm 2015 đạt tiêu chuẩn đô thị loại II…

"Bức tranh" mà Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi chỉ ra không chỉ là mơ ước của người dân Quảng Ngãi mà sẽ trở thành sự thật trong nay mai. Tin rằng, với lợi thế sẵn có, cộng với quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh và sự hỗ trợ hiệu quả của TƯ và Hà Nội, những tiềm năng của Quảng Ngãi sẽ được đánh thức, để Quảng Ngãi vươn vai Phù Đổng sánh ngang với các tỉnh khu vực miền Trung.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đánh thức tiềm năng của Quảng Ngãi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.