Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 với chủ đề “Giao lộ sáng tạo” sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 17-11, tiếp tục tập trung vào 3 trụ cột chính: thiết kế, cộng đồng và sáng tạo. Đây là năm thứ 4 lễ hội được tổ chức.
Chiều 30-10, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm, Tạp chí Kiến trúc Hà Nội họp báo thông tin về Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh chia sẻ, trong khí thế chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô với nhiều cảm xúc tự hào, Hà Nội sẵn sàng cho một chuỗi hoạt động lớn là Lễ hội thiết kế sáng tạo năm 2024. Đây là một trong những hoạt động nổi bật của Hà Nội cam kết tổ chức trong mạng lưới sáng tạo UNESCO năm 2024-2025. Đồng thời, việc tổ chức lễ hội còn nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Theo bà Trần Thị Vân Anh, nối tiếp những thành công từ Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội những năm trước, lễ hội năm nay với chủ đề "Giao lộ sáng tạo", tiếp tục là một bứt phá, mang đến nhiều điều thú vị mới, sẽ khơi dậy hơn nữa tinh thần sáng tạo trong mỗi người, nhất là thế hệ trẻ về những sáng kiến, ý tưởng sáng tạo mới. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế sáng tạo của thành phố, kết nối các giá trị văn hóa truyền thống trong phát triển ngành Công nghiệp văn hóa sáng tạo.
Bên cạnh đó, lễ hội tiếp tục thúc đẩy cho quá trình phát triển mạng lưới nhà thiết kế sáng tạo trẻ, hỗ trợ các không gian sáng tạo và ra mắt Trung tâm Điều phối hoạt động Sáng tạo của thành phố Hà Nội tại Bảo tàng Hà Nội trong tháng 11- 2024.
Theo Ban tổ chức, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 gồm khu vực chính là quảng trường Cách Mạng tháng Tám kết nối trục Bắc - Nam (phố Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông) và trục Đông - Tây (dốc Bác Cổ - phố Tràng Tiền). Nơi đây có các công trình kiến trúc nổi bật như: Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ), Nhà Hát lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Tổng hợp...
Tuyến trải nghiệm của lễ hội sẽ là dịp đưa các công trình kiến trúc nổi bật, gắn liền với lịch sử Hà Nội đến gần hơn với đời sống người dân. Theo đó, Nhà Khách Chính phủ sẽ lần đầu tiên mở cửa đón khách tham quan. Các tour tham quan Nhà hát Lớn, Đại học Tổng hợp... sẽ được "kích hoạt".
Trong khuôn khổ lễ hội, sẽ có khoảng gần 100 hoạt động sáng tạo diễn ra. Điểm nhấn là các công trình biểu tượng, sắp đặt mô hình không gian sáng tạo, hoạt động triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm. Nhiều tọa đàm, hội thảo với sự góp mặt của các chuyên gia trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực sáng tạo cũng sẽ được tổ chức.
Các hoạt động sáng tạo được tổ chức tại đây sẽ là cuộc đối thoại giữa công trình hiện hữu, gắn ký ức cộng đồng với những ý tưởng sáng tạo mới để nhấn mạnh vai trò của giới trẻ trong tiếp nối, phát huy các giá trị của dân tộc trong phát triển ngành công nghiệp sáng tạo, thúc đẩy Thủ đô phát triển thực sự xứng tầm là trung tâm sáng tạo của cả nước.
Lễ hội Sáng tạo Hà Nội năm 2024 là một hoạt động tiếp tục định vị thương hiệu "Hà Nội - Thành phố Sáng tạo" trong Mạng lưới các thành phố Sáng tạo của UNESCO. Qua đó sẽ tạo nên sự cộng hưởng và nguồn cảm hứng sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân thủ đô, với một khát vọng được góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước bước vào kỉ nguyên mới-kỉ nguyên vươn mình của dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.