Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Đánh thức” Cổ Loa

Hoàng Lân| 12/07/2018 15:59

(HNMO) – Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa có niên đại 2.300 tuổi, được đánh giá là độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á. Thế nhưng đến nay, di tích này dường như vẫn chìm trong giấc ngủ dài khi mà vấn đề xâm hại di tích đang diễn ra và tiềm năng du lịch của di tích chưa phát triển tương xứng như giá trị.


Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa


Cổ Loa đang ngủ, báo động đỏ về nguy cơ biến dạng

Mới đây, các nhà khoa học đã ngồi lại với nhau để cùng gióng lên tiếng chuông cảnh báo về mức độ xâm hại di tích Cổ Loa đang ngày một nghiêm trọng. Đồng thời, các nhà khoa học cũng đưa ra những cảnh báo, kiến nghị cần phải có biện pháp bảo vệ kịp thời đối với di tích “độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á”.

Di tích lịch sử Cổ Loa có niên đại 2.300 năm, một di sản văn hóa độc đáo gắn với buổi đầu dựng nước của dân tộc. Dù mang giá trị lịch sử rất lớn và là di tích quốc gia đặc biệt rất có giá trị với Hà Nội nhưng khác với những di tích ở khu vực nội thành như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Cổ Loa dường như ít nhận được sự quan tâm, chú ý của du khách.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản, khách thường chỉ đến Cổ Loa vào dịp Tết, lễ hội. Còn lại 11 tháng trong năm chỉ lác đác khoảng vài chục ngàn khách. Khách đến thường chỉ vào lễ trong đền mà bỏ qua giá trị đặc sắc nhất của Cổ Loa - đó là tham quan 3 vòng thành cổ.

Dấu tích thành, hào Cổ Loa hiện nay khá mờ nhạt.


Nói về thực trạng di tích Cổ Loa, ông Phan Duy Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội cho biết, giá trị cốt lõi của di tích không chỉ nằm ở khu vực thành nội với các điểm nổi bật như Đền thờ An Dương Vương, Hồ Giếng Ngọc, am Mỵ Châu…, mà quan trọng nhất là khu vực thành và hào. Tuy nhiên, Ban quản lý di tích chỉ được phụ trách các địa điểm ở khu vực thành nội và một số khu tại gần trụ sở làm việc, còn toàn bộ khu thành và hào lại do chính quyền địa phương và người dân quản lý. Từ hàng trăm năm nay, hơn 1.000 hộ dân vẫn đang sinh sống trên di tích, các mặt thành, hào và đều đã được cấp sổ đỏ theo đúng Luật Đất Đai. Điều này dẫn đến thực trạng quản lý di tích khó khăn.

Ông Lê Viết Dũng –Phó trưởng Ban quản lý phụ trách di tích Cổ Loa cũng cho rằng, vòng thành Nội nay đã mất đi toàn bộ hình dáng. Hào trong thành có nơi được lấp để xây nhà, làm đường, có nơi thì cây cỏ mọc um tùm. Vòng thành Trung và thành Ngoại dù còn nguyên đường nét nhưng không giữ được độ cao như trước…

Giống như bao di tích khác phải đối mặt với sức ép đô thị hóa, di tích Cổ Loa đang đứng trước nhiều thách thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Giải pháp nào cho Cổ Loa?

Theo các nhà khoa học, với giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật, di tích Cổ Loa có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, văn hóa. Nếu quy hoạch tốt, Cổ Loa sẽ là một trong những điểm đến có thể tạo sự thay đổi cho du lịch Thủ đô.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản (ảnh Cinet.vn)


Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể Khu di tích Cổ Loa thành Công viên lịch sử - sinh thái – nhân văn với tỷ lệ 1/2000 với quy mô 860,4ha (vùng lõi 31,2ha; vùng trung 225,3ha; vùng ngoại 247,3ha; vùng biên 356,6ha). Một trong những mục tiêu của quy hoạch là bảo tồn, tôn tạo, hướng tới xây dựng và tôn vinh khu di tích thành Cổ Loa trở thành công viên lịch sử - sinh thái - nhân văn của thủ đô Hà Nội. Trong đó, ngành kinh tế chủ đạo là phát triển dịch vụ và du lịch dựa trên bảo tồn và khảo cổ học. Quy mô khách du lịch đến khu di tích Cổ Loa dự kiến đến năm 2020 là 229.000 lượt khách/năm; năm 2030 đạt 373.000 lượt khách/năm.

Quy hoạch tổng thể đã có, nhưng thực tế, từ 3 năm nay, việc triển khai các công việc chi tiết vẫn chưa đạt kết quả. Việc triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/500 để có cơ sở cắm mốc bảo vệ di tích chưa được thực hiện.

Trước tiến độ này, ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH,TT&DL cho biết, Quy hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2030 đã đề cập rõ ưu tiên bảo vệ các di tích, các địa điểm khai quật khảo cổ của vòng 1, vòng 2 với các tường thành, hào nước. Ban quản lý di tích và chính quyền địa phương cần vào cuộc và phối hợp thực hiện bảo đảm tốt việc này, đồng thời không cho phép dân cư hoạt động phát triển kinh tế xã hội tác động đến các yếu tố gốc cấu thành nên di tích. Ngoài ra, Ban Quản lý di sản Cổ Loa và chính quyền địa phương cần có các biện pháp chống xâm lấn, xâm hại di tích và thực hiện việc giãn dân, di dời khỏi di tích, đặc biệt là các hộ dân đang sống và được cấp sổ đỏ trong di tích.

PGS.TS Nguyễn Viết Chức – Viện trưởng Viện nghiên cứu Thăng Long cho rằng, để bảo tồn được Cổ Loa cần sự đồng hành giữa nhà quản lý, nhà khoa học và cộng đồng. Việc bảo tồn trước hết tuân theo đúng khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt được Bộ VH,TT&DL và Chính phủ xây dựng.

Cổ Loa đã “ngủ” đủ lâu trong sự tiếc nuối của không chỉ giới khoa học mà cả với những ai yêu Hà Nội. Đã đến lúc di tích này cần được "đánh thức" để biến thành “vàng ròng” trong việc phát triển du lịch của Thủ đô trong tương lai không xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Đánh thức” Cổ Loa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.