(HNMO) - Ngày 8-6, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã trình Quốc hội Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng.
Theo người đứng đầu ngành Nội vụ, qua 8 năm thực hiện Luật thi đua khen thưởng, nước ta có 25 hình thức khen thưởng cấp nhà nước với 42 cấp độ khen; 50% các đơn vị hành chính cấp quận, huyện trong cả nước bố trí cán bộ chuyên trách về công tác khen thưởng.
Tuy nhiên, nhìn trên bình diện chung, phong trào thi đua nhiều nơi còn theo hình thức, có tình trạng khen thưởng chồng chéo và cộng dồn thành tích. Để khắc phục tình trạng trên, Ban soạn thảo bổ sung Điều 21 quy định thời điểm xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, là 5 năm một lần thay cho xét hàng năm như hiện nay để việc tôn vinh đúng vào dịp Đại hội Thi đua yêu nước các cấp và cũng phù hợp với việc tổng kết, đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm của đất nước; Sửa đổi, bổ sung Điều 25 quy định về “Cờ thi đua của Chính phủ” 03 năm xét một lần thay cho xét hàng năm như hiện nay, nhằm nêu cao tính tôn vinh của hình thức khen thưởng này.
Bổ sung quy định các hình thức khen thưởng Cờ thi đua, bằng khen cấp tổng cục, quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng và tương đương thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; Cờ thi đua, bằng khen của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, được quy định tại Điều 31 và Điều 73. Đây đều là những tổ chức, đơn vị có quy mô lớn, có tính đặc thù và là nơi trực tiếp tổ chức phát động các phong trào thi đua nhưng Luật hiện hành quy định những tổ chức này chỉ được tặng hình thức giấy khen
Đánh giá về những đổi mới trên, Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, về cơ bản, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng tương đối hợp lý. Đặc biệt, việc thay đổi thời hạn từ hàng năm lên 5 năm xét một lần đối với Chiến sĩ thi đua toàn quốc là một trong những giải pháp nhằm nâng cao tiêu chuẩn, tính tiêu biểu, khắc phục việc công nhận danh hiệu thi đua, khen thưởng tràn lan.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến trong Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, một trong các nguyên tắc của khen thưởng là phải đảm bảo kịp thời để động viên, nêu gương, tạo động lực và đã thi đua thì phải có tổng kết và xét tặng danh hiệu thi đua. Bên cạnh đó, việc thay đổi này có thể chưa thực sự công bằng vì có người sẽ được xét tặng kịp thời, nhưng có người đủ tiêu chuẩn cũng phải đợi đến 4 năm mới tới thời điểm xét, nếu người đó nghỉ hưu, chuyển công tác thì sẽ không được cơ quan, tổ chức nào xét. Do đó, với “trường hợp có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất” cũng cần quy định rõ thời điểm xét tặng, thẩm quyền, trình tự, thủ tục.
Tiếp đó, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.