Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đảng lãnh đạo quân đội là truyền thống lịch sử

Võ Lâm| 30/04/2013 06:31

(HNM) - Đại thắng mùa xuân năm 1975, đỉnh cao của 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược cho thấy mối quan hệ máu thịt giữa vai trò lãnh đạo của Đảng với sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam


Đại thắng mùa xuân năm 1975 đánh dấu kỳ tích trong truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam khi chiến thắng cả thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập, hòa bình và thống nhất đất nước. Đánh giá về sự kiện lịch sử này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh khẳng định: Bài học quyết định, mang tính bao trùm, đó là đường lối lãnh đạo đúng đắn và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối đó của Đảng ta; trong đó, trực tiếp là đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng.

Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ảnh: Nguyệt Ánh



Theo các nhà nghiên cứu, sự lãnh đạo tài tình của Đảng trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược mà đỉnh cao là Đại thắng mùa xuân 1975 thể hiện trước hết ở nghệ thuật đánh giá đúng tình hình, nắm vững thời cơ chiến lược và triệt để tận dụng thời cơ. Cuối năm 1974, trên cơ sở bám sát, đánh giá đúng tình hình, nhất là so sánh lực lượng ta - địch, Đảng ta khẳng định, địch không thể đương đầu nổi với lực lượng cách mạng đã mạnh hẳn lên cả về chính trị và quân sự. Ta đang đứng trước thời cơ lịch sử để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong chỉ đạo đối với quân đội nói riêng và đối với toàn bộ chiến dịch mùa xuân 1975 nói chung, Đảng đã kết hợp tài tình giữa tiến công và nổi dậy. Sự kết hợp giữa tiến công quân sự của bộ đội chủ lực và nổi dậy của quần chúng được thực hiện hết sức chặt chẽ đem lại từ thắng lợi nhỏ đến thắng lớn.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhận định: "Sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương có vai trò quyết định đến chiến lược thần tốc, táo bạo của quân và dân ta trên toàn chiến trường và chỉ trong 55 ngày đã giành thắng lợi hoàn toàn".

Để đi đến thắng lợi cuối cùng, quân đội đã giữ vai trò quyết định. Nhưng để quân đội đủ sức đảm đương nhiệm vụ này, Đảng ta đã có quá trình rèn luyện, xây dựng quân đội lâu dài, khoa học. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân đội ta đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, trở thành đội quân chính quy, tinh nhuệ không chỉ mạnh về vũ khí trang bị, kỹ năng và ý chí chiến đấu, mà còn có tầm về cách đánh, nghệ thuật chiến tranh. Tất cả đã tạo nên những lợi thế so sánh giữa ta và địch, giúp quân đội ta không bỏ lỡ thời cơ lịch sử. Theo Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Bộ Quốc phòng): "Không tách rời sự lãnh đạo của Đảng làm cho quân đội ta bách chiến bách thắng, góp phần cùng với dân tộc làm nên những thắng lợi huy hoàng, vẻ vang nhất trong lịch sử". Thắng lợi vĩ đại 38 năm về trước chính là nhờ sự gắn bó máu thịt của quân đội với sự lãnh đạo của Đảng.

Từ sau Đại thắng mùa xuân

năm 1975 đến nay, cùng với sự phát triển đi lên của đất nước, QĐNDVN cũng từng bước lớn mạnh. Dù bối cảnh lịch sử đã thay đổi, nhưng bản chất của QĐNDVN vẫn không thay đổi. Hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội là sự bảo đảm duy trì bản chất mang tính truyền thống lịch sử của QĐNDVN. Bản chất của QĐNDVN là trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Vì trung thành với Đảng, QĐNDVN luôn chiến đấu vì mục tiêu lý tưởng của Đảng. Còn mục tiêu, lý tưởng của Đảng không gì khác ngoài sự bình yên của Tổ quốc, cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân. Đó là một chỉnh thể thống nhất, không thể tách rời.

TS Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện Nhân quyền (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định, việc hiến định quân đội trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân không phải là hạ thấp vai trò của quân đội mà nâng cao ý thức chính trị của quân đội đối với Tổ quốc và nhân dân. Ông cho rằng, nếu đặt quân đội đứng ngoài chính trị, hiến định quân đội trung thành với Tổ quốc, nhân dân một cách chung chung thì giống như "lơ lửng trên trời". Quan điểm cho rằng quân đội chỉ phải trung thành với Tổ quốc, không gắn với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là xa lạ với lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam. Đó là chưa kể, ngày nay, quân đội cần có một bộ tham mưu dày dặn, có kinh nghiệm lịch sử, trung thành với lợi ích của Tổ quốc, nhân dân để thực hiện những nhiệm vụ không chỉ đơn thuần là "cầm quân". Trong ý nghĩa đó, vai trò lãnh đạo của Đảng là cần thiết, như bộ tham mưu quan trọng cho quân đội ta. Ở một khía cạnh khác, Thiếu tướng, GS Bùi Phan Kỳ, chuyên viên Viện Chiến lược quốc phòng Việt Nam góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 mới đây đã cho rằng: "Quân đội luôn gắn với chế độ, mà chế độ có vai trò lãnh đạo của Đảng. Do đó, nếu quân đội phi chính trị hóa, quân đội sẽ trở thành đội quân robot vũ lực, chẳng cần chính nghĩa, trở thành đội quân đánh thuê và tự hạ thấp mình".

QĐNDVN là quân đội của nhân dân. Nhân dân Việt Nam xưa nay vốn có truyền thống nhân văn, chính nghĩa, ''lấy đạo nghĩa thắng hung tàn, đem trí nhân thay cường bạo". Vì vậy, QĐNDVN cũng phải là đội quân của chính nghĩa. Hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội là sự bảo đảm tính chất truyền thống lịch sử của QĐNDVN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảng lãnh đạo quân đội là truyền thống lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.