Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tây Hồ giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh qua ''Hội thề trung hiếu''

Hương Ly| 15/05/2023 15:09

(NSHN) - Sáng 15-5, tại di tích đền Đồng Cổ (phường Bưởi, quận Tây Hồ), Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ tổ chức chuyên đề giáo dục di sản, giáo dục truyền thống lịch sử địa phương cho học sinh nhân dịp Lễ hội truyền thống kỷ niệm 995 đền Đồng Cổ.

Dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo UBND quận Tây Hồ, các hiệu trưởng, tổng phụ trách các trường học và học sinh khối 5 Trường Tiểu học Đông Thái. 

Các đại biểu quận Tây Hồ và các học sinh làm lễ dâng hương tại đền Đồng Cổ.

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu, thầy cô giáo và các học sinh đã cùng làm lễ dâng hương để tỏ lòng thành kính và ghi nhớ công lao của vị Sơn thần Đồng Cổ. 

Ngay sau lễ dâng hương, ông Phạm Hoàng Mưu - Trưởng Tiểu ban di tích Đông Xã đã giới thiệu về lịch sử đền Đồng Cổ và Hội thề Trung Hiếu. Đền Đồng Cổ ở Bưởi được xây dựng từ thời Lý vào năm 1028 ở làng Đông, nay ở số 353 đường Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ.

Buổi sinh hoạt ngoại khóa có sự tham dự của đông đảo học sinh Trường Tiểu học Đông Thái.

Sách Toàn thư (thế kỷ XV) kể: Năm 1028, trước hôm Lý Thái Tổ qua đời một ngày (mùng 3 tháng Ba âm lịch), lại được thần Đồng Cổ báo mộng rằng có 3 tước vương sẽ nổi loạn... Thái tử Phật Mã vâng lời cùng tùy tùng cấp tốc về kinh đô, quả như thần đã báo mộng. Khi Lý Thái Tổ vừa băng hà, 3 con trai đưa quân vào ém trong Cấm Thành, toan đánh úp. Do có phòng bị, lại được các tướng Lê Phụng Hiểu, Lê Nhân Nghĩa giúp, nên Thái tử Phật Mã đã dẹp được cuộc nổi loạn này.

Mười ngày sau khi lên ngôi, Thái tử Phật Mã (tức vua Lý Thái Tông, 1028-1054) cho xây đền thờ thần Đồng Cổ bên Hoàng thành Thăng Long và quyết định lấy ngày 25 tháng Ba tiến hành hội thề tại đền. Trước đền đắp một đàn cao, xung quanh cờ xí rợp trời, đội ngũ chỉnh tề, giáo gươm rợp đất. Giữa đàn là thần vị Đồng Cổ, quan giám thị điều khiển hội thề. Bách quan văn võ từ phía Đông đi vào đền, đến trước đàn, quỳ trước thần vị, đọc lời thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh chu diệt”. Về sau, vì ngay hội thề trùng với ngày kỵ của vua, nên hội thề chuyển sang ngày 4 tháng Tư âm lịch. 

Học sinh tham quan, tìm hiểu về đền Đồng Cổ.

Theo ông Phạm Hoàng Mưu, Trưởng Tiểu ban di tích Đông Xã, Đồng Cổ là ngôi đền rất linh thiêng, được sắc phong là “Đồng Cổ linh từ”. Ngôi đền mang nét kiến trúc cổ kính của kinh thành Thăng Long xưa, là 1 trong 8 cảnh đẹp quanh hồ Tây được nhắc tới trong “Thăng Long bát cảnh”.

“Hội thề Trung hiếu” tại đền Đồng Cổ đến nay vẫn trường tồn với thời gian. Đó là niềm tự hào của mỗi người dân quận Tây Hồ nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung. “Lời thề Trung hiếu” đến nay vẫn mang ý nghĩa thiêng liêng về tâm linh, đạo đức và pháp luật; là bài học đạo đức quý giá mà ông cha đã để lại cho con cháu muôn đời sau.

Cuộc thi "Rung chuông vàng" đã giúp học sinh có thêm nhiều kiến thức về đền Đồng Cổ, Hội thề Trung hiếu.

Tại chương trình sinh hoạt ngoại khóa, các học sinh Trường Tiểu học Đông Thái đã tham gia hoạt động trải nghiệm “Rung chuông vàng”; vẽ tranh, viết cảm xúc về đền Đồng Cổ và Hội thề Trung hiếu; thưởng thức màn trống hội của các ông bà trong đội trống Ban Di tích và học sinh Trường Tiểu học Đồng Thái.

Qua các hoạt động trải nghiệm, các học sinh đã có thêm những kiến thức lịch sử quý báu về ngôi đền Đồng Cổ và là nét văn hóa đặc sắc có ý nghĩa to lớn của Hội thề Trung hiếu - một di sản văn hóa đang được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tây Hồ giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh qua ''Hội thề trung hiếu''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.