(HNM) - Để tránh phát sinh tranh chấp về sau, nhiều bạn bè tư vấn tôi nên đăng ký quyền tác giả đối với những sáng tác của mình. Liệu có phải chỉ khi đăng ký quyền tác giả mới được pháp luật bảo vệ?
Hồ Ngọc Anh (quận Đống Đa)
Trả lời:
Theo Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Như vậy, dù tác phẩm đã đăng ký hay chưa đăng ký quyền tác giả đều được bảo hộ như nhau. Tuy nhiên, để có căn cứ chứng minh quyền tác giả cho tác phẩm của mình thì việc đăng ký để được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả rất cần thiết mà không gặp thủ tục phiền hà hay chi phí lớn lao gì. Bạn có thể tham khảo quy định tại Điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ:
1. Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan nộp đơn và hồ sơ kèm theo (sau đây gọi chung là đơn) cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.
2. Việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của luật này.
3. Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.