(HNM) - Kể từ khi triển khai Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016), Hà Nội đã thực hiện đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân được 36.789 trường hợp.
Cùng với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và huyện Quế Phong (Nghệ An) là các đơn vị được lựa chọn thí điểm phần mềm phân hệ đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân từ ngày 1-1-2016. Đã có 69.524 hồ sơ khai sinh được đăng ký trực tuyến thành công, trong đó 66.705 trường hợp thuộc diện đăng ký khai sinh lần đầu được cấp số định danh cá nhân.
Hà Nội đã cấp được hơn 33.700 mã số định danh cá nhân. |
Riêng Hà Nội, hơn 33.700 trường hợp được cấp số định danh cá nhân. Trong hàng trăm trường hợp sai sót khi đăng nhập thông tin tại các địa phương được lựa chọn thí điểm, Hà Nội là đơn vị có tỷ lệ sai nhiều nhất. Cục trưởng Cục Hộ tịch - Quốc tịch - Chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh cho biết, có những lỗi sai điển hình như nhập nam thành nữ, nữ thành nam, bắt buộc phải hủy. Trong khi đó, huyện Quế Phong (Nghệ An) chỉ có 2 trường hợp sai sót.
Tại hội nghị sơ kết triển khai thí điểm phân hệ đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân cho trẻ đăng ký khai sinh từ ngày 1-1-2016, do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, đại diện Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên là công chức làm công tác hộ tịch còn cẩu thả. Hơn nữa, Hà Nội đang cùng lúc triển khai phần mềm đăng ký hộ tịch song song với áp dụng phần mềm khai sinh điện tử do Bộ Tư pháp cung cấp. Việc thực hiện đồng thời hai phần mềm tạo ra gánh nặng đối với công chức làm công tác hộ tịch khi phải cập nhật thông tin vào cả hai phần mềm này. Cá biệt, có 3 đơn vị cấp xã chưa cập nhật thông tin vào hệ thống do cán bộ tư pháp nghỉ hưu nên... chưa có cán bộ để bàn giao. Sở Tư pháp Hà Nội đề nghị Bộ Tư pháp thực hiện phân quyền, cấp tài khoản cho Sở Tư pháp tham gia hệ thống đăng ký khai sinh và cấp mã số định danh cá nhân để nắm bắt thông tin, kịp thời giám sát, chỉ đạo việc thực hiện đăng ký khai sinh của cơ sở.
Phản ánh từ các địa phương thí điểm cho thấy, trên phân hệ đăng ký khai sinh đang sử dụng 3 loại dữ liệu danh mục về dân tộc, quốc tịch và đơn vị hành chính nhưng mỗi phần mềm lại sử dụng một bộ danh mục riêng, không thống nhất. Vì vậy, trong quá trình triển khai, có một số trường hợp công dân đề nghị được điều chỉnh tên của địa phương mình. Cụ thể, xã Tầm Xá, huyện Đông Anh (TP Hà Nội) đề nghị đổi thành xã Tàm Xá vì đã từ rất lâu vẫn sử dụng tên là Tàm Xá.
Một bất cập nữa, theo quy trình cập nhật dữ liệu đang áp dụng, việc cấp giấy khai sinh chỉ được tính bằng phút và là nguyên nhân chính gây ra sai sót không đáng có. Với cách làm hiện nay, các công chức làm công tác hộ tịch ghi thông tin trực tiếp từ tờ khai của người dân vào phần mềm, thực hiện thao tác lấy số định danh cá nhân trước, sau đó mới ghi thông tin vào sổ giấy và sổ điện tử. Nên đổi lại quy trình: Ghi thông tin vào sổ giấy trước, yêu cầu người đi đăng ký khai sinh ký xác nhận thông tin, sau đó mới thực hiện ghi thông tin từ sổ giấy vào phần mềm để có thêm kênh thẩm tra, xác minh thông tin từ chính người có yêu cầu. Chưa kể có địa phương (điển hình là TP Hồ Chí Minh), cơ sở hạ tầng không đồng bộ khiến cho quá trình truy cập cũng như thực hiện các thao tác bị gián đoạn…
Nhận định việc thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân phù hợp với định hướng cải cách tư pháp, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử hiện đại, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, những khó khăn, phát sinh nêu trên sẽ được Bộ Tư pháp nghiên cứu, hoàn thiện để có thể áp dụng trong toàn quốc thời gian tới. Song các địa phương cũng cần tăng cường mở các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ tư pháp cơ sở, bởi chính sách có hay đến đâu nhưng cán bộ thực thi không áp dụng hoặc thực hiện không triệt để thì chủ trương cải cách tư pháp cũng chỉ nằm trên giấy. Đây cũng chính là giải pháp quan trọng góp phần giảm thiểu sai sót có thể xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.