Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đáng gọi là “cẩm nang”

Vũ Vân| 20/11/2013 06:41

(HNM) - Cuốn sách ra mắt bạn đọc đúng dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2013, do một nhóm nhà giáo biên soạn dành cho các thầy, cô giáo Thủ đô. Dẫu người viết khiêm tốn với tựa đề



Trong lời giới thiệu, PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục - đào tạo (nay là Học viện Quản lý giáo dục), đã viết rằng: "Bằng tình cảm, trách nhiệm và sự trải nghiệm các công việc mà bản thân từng phụ trách, các tác giả đã có những trang viết hào sảng về Thăng Long - Hà Nội và những trang viết hữu ích giúp nhà giáo Hà Nội nâng cao hiểu biết nghiệp vụ sư phạm, thêm yêu Hà Nội, tự hào về nghề nghiệp của mình". Chủ biên - nhà giáo Nguyễn Tiến Đoàn, dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn đau đáu với sự nghiệp trồng người, thấu hiểu những gì mà mỗi thầy, cô giáo còn thiếu, rất cần có cho công việc hằng ngày. Ông đã cùng hai cộng sự - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Ngọc Quang và Tổng Biên tập Báo Giáo dục Thủ đô Nguyễn Quang Đông Thành dành một năm rưỡi để xây dựng đề cương, sưu tầm tư liệu, biên soạn cuốn "Nhà giáo Hà Nội - những điều nên biết".

600 trang sách được chia 4 phần, trong đó "Hà Nội mến yêu" cung cấp cho người đọc thông tin cơ bản nhất về mảnh đất và con người, phố phường, di tích, danh thắng, tình hình phát triển kinh tế và đời sống Thăng Long - Hà Nội. Phần "Giáo dục là quốc sách hàng đầu" gồm những thông tin về ngành giáo dục - đào tạo Việt Nam và Hà Nội qua các thời kỳ, hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay, về định hướng phát triển giáo dục trong tương lai. Đội ngũ nhà giáo Hà Nội cùng những thông tin hữu ích cho họ như chuẩn đào tạo, chuẩn nghề nghiệp; về công tác bồi dưỡng giáo viên và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trên địa bàn; về việc tuyển dụng, chế độ làm việc của nhà giáo; người giáo viên có nhiệm vụ, quyền hạn thế nào… tất cả đều có trong phần ba "Dạy học - Nghề cao quý". Phần 4, gọi là "Phụ lục" nhưng thông tin được gói trong đó rất đáng chú ý, từ lịch sử một số ngày truyền thống, ngày kỷ niệm lớn trong năm, danh sách Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, danh sách trường học cho đến những bài hát truyền thống về nhà trường, một số lời hay, ý đẹp về ngành giáo dục…

Đáng nói là, thông tin trong cuốn sách, như PGS.TS Đặng Quốc Bảo đã viết: "Có thể ai đó còn mong tài liệu phong phú hơn. Tôi chợt nhớ câu nói của tiền nhân: Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc, nghĩa là đủ cho là đủ, chờ đủ bao giờ mới đủ", nhưng chúng được sắp xếp theo cấu trúc hợp lý để người dùng dễ tra cứu khi cần. Không những thế, những thông tin mới nhất cũng được nhóm biên soạn cập nhật như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 BCH TƯ Đảng khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân vừa được ban hành, có thêm mục về thầy giáo - Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong danh sách nhà giáo tiêu biểu ở Thăng Long - Hà Nội. Đọc sách, thấy rõ tình cảm và trách nhiệm của các tác giả đối với mảnh đất ngàn năm văn hiến cũng như với sự nghiệp trồng người.

Ao ước của người viết lời giới thiệu cho cuốn sách, rằng "các tỉnh, thành khác đều xây dựng được những tài liệu tương tự cho nhà giáo của địa phương mình thì cả nước sẽ có một tập Đại thành thông tin về giáo dục, minh chứng cho một nền văn hiến Đại Việt vẻ vang từ ngàn xưa và sống động trong cuộc sống hôm nay", đủ nói lên ý nghĩa to lớn, lợi ích và sự cần thiết của "Nhà giáo Hà Nội - những điều nên biết" không chỉ cho nhà giáo Hà Nội mà còn cho những ai yêu mến giáo dục Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đáng gọi là “cẩm nang”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.