Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Đẳng cấp" khu Nam Sài Gòn

N.L| 12/07/2016 12:14

Theo định hướng chiến lược phát triển đô thị, TP Hồ Chí Minh sẽ phát triển theo cả 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Tuy nhiên, có thể thấy, so với 3 hướng còn lại, hướng Nam luôn được xem là vị trí đắc địa bậc nhất Sài Gòn.

Đột phá hạ tầng

Thực tế, thời gian qua, chính sách phát triển hạ tầng giao thông, đô thị của TP Hồ Chí Minh có xu hướng dồn mạnh vào khu Nam Sài Gòn mà hạt nhân là Quận 7 với hàng loạt dự án hạ tầng đã, đang và sẽ nhanh chóng được khởi động. Cụ thể, quy hoạch phát triển giao thông của thành phố từ nay đến năm 2018, khu Nam Sài Gòn sẽ được đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường trọng điểm kết nối khu này với trung tâm thành phố và sân bay Quốc tế Long Thành đang chuẩn bị được triển khai.

Nhiều dự án bất động sản quy mô lớn đang khởi động tại khu Nam Sài Gòn.


Cụ thể, hàng loạt công trình trọng điểm với tổng vốn đầu tư lên tới gần 5 tỷ USD, kết nối khu Nam Sài Gòn với trung tâm thành phố như dự án tuyến metro số 4 - tuyến có vốn đầu tư lớn nhất lên tới 97.000 tỷ đồng - kết nối Quận 7, Nhà Bè với các quận trung tâm; hệ thống hầm chui, cầu vượt tại nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ được đầu tư gần 2.600 tỷ đồng; cầu Kênh Tẻ 2 nằm trong dự án đường trục Bắc - Nam TP Hồ Chí Minh bắt qua kênh Tẻ nối Quận 4 với Quận 7 nhằm rút ngắn thời gian di chuyển cũng như giảm nhiệt hạ tầng giao thông từ khu Nam Sài Gòn đến trung tâm Quận 1.

Cùng với cầu Phú Mỹ đã được đưa vào khai thác, dự án cầu Thủ Thiêm 4 dài 2km nối từ đường Nguyễn Văn Linh (khu Nam, Quận 7) đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm (khu Đông, Quận 2) với tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ được khởi công ngay trong năm nay sẽ tạo thành trục kết nối bờ Tây và bờ Đông sông Sài Gòn góp phần hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho cả khu Đông và khu Nam Sài Gòn.

Hiện hạ tầng khu Nam Sài Gòn đã tương đối hoàn chỉnh với các trục đường huyết mạch như Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Thập, Huỳnh Tấn Phát... cùng với những tiện ích ngoại khu sầm uất đã hiện hữu như: Trường Đại học Quốc tế RMIT, Bệnh viện FV, Bệnh viện tim Tâm Đức, Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), hệ thống trung tâm thương mại hiện đại… sẽ mang tới nhịp sống sôi động, sung túc và tiện nghi cho khu đô thị Nam Sài Gòn.

Đặc biệt, nhằm kết nối hệ thống giao thông khu vực liên kết vùng, phát triển kinh tế khu vực phía Nam thành phố, UBND TP Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng đoạn Bến Lức - Hiệp Phước (thuộc tuyến đường vành đai 4 - TP Hồ Chí Minh) với tổng vốn đầu tư khoảng 6.273 tỷ đồng.

Theo đó, tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 35,8km, điểm đầu tuyến là nút giao Bến Lức (giao giữa đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương với Tỉnh lộ 830) thuộc địa phận thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An. Điểm cuối tuyến kết nối với đường trục Bắc - Nam nằm trong khu quy hoạch cảng công nghiệp Hiệp Phước thuộc địa phận xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.

Có thể thấy, việc khởi động hàng loạt công trình hạ tầng này tất yếu kích thích thị trường bất động sản khu Nam phát triển, xứng đáng là nơi đáng sống bậc nhất của TP Hồ Chí Minh.

Bất động sản "lên ngôi"


Theo các chuyên gia, việc khu Nam Sài Gòn đang là tâm điểm của thị trường bất động sản ngoài yếu tố thị trường khởi sắc, một yếu tố đặc biệt quan trọng là vị trí "vàng" của khu vực này, là vùng lõi của Khu kinh tế đặc biệt bao gồm 4 quận huyện gồm Quận 7, Nhà Bè, Cần Giờ và một phần huyện Bình Chánh mà chính quyền thành phố đang nghiên cứu lập quy hoạch. Đây cũng là hướng mũi nhọn cho khát vọng hướng biển của TP Hồ Chí Minh.

Thực tế cho thấy, mặc dù thị trường bất động sản hiện đang có nguồn cung lớn nhưng với những dự án được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín cộng với vị trí đắc địa luôn được xem là "hàng hiếm". Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu CBRE Việt Nam cho rằng, bất động sản và hạ tầng giống như chiếc bình thông nhau. Hạ tầng phát triển đến đâu sẽ kéo theo thị trường bất động sản phát triển tới đó.

Ngoài lợi thế về hạ tầng và vị trí đắc địa, khu Nam Sài Gòn còn có lợi thế lớn là có nhiều dự án nhà ở hoàn chỉnh và quỹ đất để phát triển bất động sản còn khá lớn, chỉ cần có thêm đòn bẩy chính sách, nhiều dự án nhà ở quy mô lớn sẽ tiếp tục được khởi động.

Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây hàng loạt chủ đầu tư ồ ạt khởi công nhiều dự án bất động sản tại khu Nam Sài Gòn. Đơn cử, tiếp nối thành công của chuỗi sản phẩm Khu đô thị cao cấp cận giang, ngày 11/7, Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) đã chính thức giới thiệu ra thị trường sản phẩm Jamona Golden Silk, ngay đường Bùi Văn Ba, Quận 7 nhắm đến đối tượng khách hàng là các doanh nhân thành đạt, nhà đầu tư bất động sản từ khu vực phía Bắc. Dự án này có diện tích 7,6ha gồm 226 biệt thự, nhà liên kế và khu cao tầng là chung cư, office-tel, shophouse với tiện ích đầy đủ cho cư dân. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 2.200 tỷ đồng.

Ông Phạm Điền Trung, Tổng giám đốc Sacomreal - đơn vị phát triển dự án Khu đô thị cao cấp Jamona Golden Silk - cho biết, Jamona là dòng sản phẩm bất động sản chiến lược của Sacomreal. Hiện công ty đã phát triển 2 dự án thuộc phân khúc này là Jamona City (Quận 7) và Jamona Home Resort (Thủ Đức) có tỷ lệ hấp thụ thị trường khá tốt. Giờ đây, Sacomreal tiếp tục phát triển dòng sản phẩm biệt thự cận giang là Jamona Golden Silk cũng tại Quận 7. "Tôn chỉ xuyên suốt của Sacomreal là 'vì cộng đồng kiến tạo an cư'. Chúng tôi phát triển, cung cấp ra thị trường sản phẩm không chỉ dừng lại ở giá trị căn hộ mà đó là một mái ấm thật sự cho một gia đình", ông Phạm Điền Trung chia sẻ.

Bên cạnh dự án biệt thự ven sông Jamona Golden Silk của Sacomreal, nhiều đại gia địa ốc khác cũng đã bơm mạnh nguồn vốn vào nhiều dự án tại khu Nam Sài Gòn. Đơn cử, Hung Thinh Corp mới đây đã chi một nguồn vốn khá lớn để mua lại một dự án tại khu Trung Sơn, hiện đang phát triển thành khu căn hộ cao cấp có tên gọi Saigon Mia với quy mô gần 900 căn hộ. Hay Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) cùng An Gia Investment và Công ty bất động sản Phát Đạt đã bắt tay phát triển một dự án lên tới 8.000 căn hộ với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD cũng tại khu Nam Sài Gòn.

Nhận định về triển vọng thị trường bất động sản khu Nam Sài Gòn trong trung hạn, Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, tiềm năng phát triển bất động sản của khu vực này còn rất lớn. Theo TS. Hiển, bởi nơi đây đã và đang có những lợi thế đặc biệt, như cảng Hiệp Phước với luồng Soài Rạp vừa mới được nạo vét, có thể đón tàu 50.000 tấn ra vào; có quỹ đất phát triển đô thị rất lớn (2.900 ha), trong đó hạt nhân là Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, cùng nhiều khu đô thị mới khác; Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp Hiệp Phước… đang hoạt động sẽ là cơ sở vững chắc để bất động sản Nam Sài Gòn lên ngôi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Đẳng cấp" khu Nam Sài Gòn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.