(HNM) - Cán bộ - cái gốc của mọi công việc, luôn được Đảng bộ TP Hà Nội chăm lo, xem đây là khâu đột phá...
Để Thủ đô phát triển bền vững, cần những đột phá mới trong công tác cán bộ. Ảnh: Huy Hùng |
Chuẩn bị nguồn trước mắt và lâu dài
Quy hoạch là một trong ba khâu trọng yếu quyết định đến chất lượng cán bộ. Để làm tốt khâu này, hằng năm, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đánh giá, phân loại cán bộ; đồng thời ban hành quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ chủ chốt các cấp, ngành làm căn cứ xây dựng quy hoạch. Điểm nổi bật trong công tác quy hoạch của Hà Nội là đặc biệt chú ý đối tượng cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Xuất phát từ cấp cơ sở hiện nay, bình quân cán bộ nữ tham gia cấp ủy chỉ chiếm 19,6%, cán bộ trẻ chiếm 3,6%; tỷ lệ tương ứng ở cấp quận, huyện là 17,1% và 4,8%; ở đảng bộ trực thuộc là 13,3% và 5,7%; ở cấp thành phố là 12% và 4%; tình trạng quy hoạch xong để đó vẫn còn. Do vậy, Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU về tăng cường công tác cán bộ trẻ, cán bộ nữ, kiên quyết không phê duyệt quy hoạch của cấp ủy nếu không bảo đảm đưa vào quy hoạch tỷ lệ cán bộ nữ 15%, cán bộ trẻ trên 35%...
Tính đến ngày 31-1-2013, các cấp ủy cơ bản hoàn thành quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2015-2020 theo phương châm quy hoạch "mở" và "động", rà soát những người không đủ tiêu chuẩn đưa ra khỏi quy hoạch và bổ sung vào quy hoạch những người xứng đáng. Qua kiểm tra cho thấy, các cấp ủy đã xây dựng quy hoạch bảo đảm cơ cấu; quy trình chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai; khắc phục tình trạng quy hoạch thì nhiều, nhưng đến khi cần nhân sự lại khó lựa chọn.
Đi đôi với quy hoạch, Hà Nội đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trong 5 năm gần đây, gần 1.900 cán bộ được đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị; hơn 11.600 cán bộ trình độ trung cấp lý luận chính trị; hơn 700 cán bộ bảo vệ thành công luận án tiến sỹ, đã và đang theo học cao học ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, với tầm nhìn chiến lược, năm 2011-2013, Thành ủy mở 5 lớp gồm 500 cán bộ nguồn các ban đảng. Sau khi kết thúc khóa đào tạo về chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, số này được đưa về cơ sở. Theo kế hoạch, năm 2013 đề án đào tạo 1.000 cán bộ nguồn cho cấp xã, phường, thị trấn cũng chính thức được khởi động. Như vậy, chỉ trong 2-3 năm nữa, Hà Nội sẽ có một đội ngũ cán bộ trẻ, giàu kiến thức, tinh thông kỹ năng, nghiệp vụ để nhanh chóng bắt nhịp với công việc, trở thành nguồn cán bộ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH Thủ đô.
Đoàn viên thanh niên, nguồn cán bộ trẻ dồi dào. Ảnh: Bá Hoạt |
Thường niên luân chuyển và lấy phiếu tín nhiệm
Công tác luân chuyển cán bộ trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy sau khi Thành ủy tiến hành 4 đợt luân chuyển hơn 100 cán bộ lãnh đạo, quản lý thành phố về công tác tại quận, huyện, thị xã. Một chủ trương mang lại nhiều lợi ích, khắc phục sự cồng kềnh của bộ máy sau hợp nhất, bổ sung nhân lực cho cơ sở nhưng hơn hết giúp đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý được rèn luyện trong thực tiễn, trưởng thành hơn. Xét về lý luận và thực tiễn, luân chuyển cán bộ là chủ trương đúng, trúng, nếu thực hiện tốt sẽ phát huy hiệu quả tích cực trong công tác đào tạo, sử dụng cán bộ, giúp cán bộ hứng thú, khắc phục sự nhàm chán do tư tưởng ngồi quá lâu ở một vị trí. Tiếp nối thành công, năm 2012, BTV Thành ủy quyết định luân chuyển, điều động 31 cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Học tập kinh nghiệm của Thành ủy, hầu hết các cấp ủy trực thuộc đã xây dựng kế hoạch, đề án, đưa công tác luân chuyển cán bộ về cơ sở trở thành việc làm thường niên. Nhiều đơn vị như Huyện ủy Phú Xuyên năm 2012 đã luân chuyển 28 cán bộ quản lý giáo dục và 36 cán bộ kế toán-tài chính, địa chính-xây dựng từ xã này sang xã khác. Công tác luân chuyển ở Phú Xuyên và nhiều quận, huyện, thị xã đã tạo bầu không khí làm việc mới, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Một trong việc sẽ được tiến hành thường xuyên hằng năm đó là lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thực hiện Kế hoạch số 78-KH/TU của Thành ủy, tại hội nghị lần thứ 11 (tháng 1-2013) BCH Đảng bộ thành phố vừa qua, Thành ủy đã thí điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với 20 UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND thành phố. Tiếp đó, trong tháng 1-2013, thành phố tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo ở 7 sở, ngành: Nội vụ, Kế hoạch - Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội và Công an thành phố. Kết quả tín nhiệm của tập thể là sự ghi nhận, động viên, khích lệ những người hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; đồng thời cũng nhắc nhở kịp thời những người yếu kém về năng lực, phẩm chất. Qua đó, mỗi người kịp thời điều chỉnh, phát huy ưu điểm, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm. Đây là cái được lớn nhất của việc lấy phiếu tín nhiệm đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt của thành phố. Sau thí điểm, Thành ủy khuyến khích các cấp ủy tiến hành, tiến tới mở rộng việc lấy phiếu tín nhiệm đến cấp quận, huyện và các đảng bộ trực thuộc, coi đây là công việc thường xuyên nhằm tạo đột phá, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.