Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dân tộc là nơi đi, dân tộc là nơi đến...

Đặng Huy Giang| 02/09/2021 13:55

(HNMCT) - Chọn một đề tài quen thuộc, chọn một thể thơ quen thuộc, lại nhất quán từ đầu đến cuối, là lựa chọn không mấy dễ dàng của nhà thơ Hữu Thỉnh khi đặt bút viết “Trăng Tân Trào” - tập trường ca đã được trao Giải A Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018 - 2020, hiện đang được tái bản. Theo tôi, Hữu Thỉnh đã chọn đường khó mà đi, theo cách của riêng ông và chỉ ở ông mới có. Rốt cuộc, Hữu Thỉnh vượt qua mọi thách đố, đến được cái đích mà ông nhắm tới, thỏa mãn yêu cầu được đặt ra từ phía người viết và người đọc.

Tôi đã đọc gần 900 câu thuộc dạng “trường thiên 5 chữ” trong trường ca “Trăng Tân Trào”. Có thể nói: Trường ca đã hấp dẫn tôi. Trước hết, nó hanh thông, liền mạch. Tiếp theo, nó mới mẻ và có giá trị làm mới những gì tưởng như đã cũ. Tiếp theo nữa, sự kết nối, tính liên tục, tính dẫn dắt, tính liên hoàn của nó đậm nét và khá hoàn chỉnh. Cuối cùng dẫn đến: Về cơ bản, nó được cả về tổng thể lẫn chi tiết...

Viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh thì lâu nay nhiều nhà thơ đã viết, nhưng đến Hữu Thỉnh, biểu tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh trong thơ ông vẫn khác: “Linh hồn của tự do/ Thở dồn trong lán cỏ/ Chí lớn thu giang sơn/ Giấu mình trong tre nứa”. Đó là những câu thơ có sinh khí, có đời sống, được nhắc lại như là điệp khúc, tạo ra điểm nhấn trong chương I và chương II của trường ca.

Trong “Trăng Tân Trào”, người đọc tìm được khá nhiều câu thơ khắc họa, tạo dựng nhân cách, bản lĩnh, ý chí Hồ Chí Minh thật ấn tượng và thấm thía, dưới nhiều góc độ khác nhau. Đây là những câu hỏi lớn của Người: “Gốc nào thì bền dân?/ Thân nào thì cao nước?/ Bóng nào thì tụ nhân?/ Tình nào gom xứ sở?”. Đây là cảm nhận và trải nghiệm chiều sâu của Người: “Đời hiện ra rất gần/ Vui buồn treo trước mặt/ Nhưng phải lắm khổ đau/ Mới nhận ra nước mắt”, và “Lặng lẽ giữa thành trì/ Đắp dày thêm chữ nhẫn”. Những câu thơ đáng được đánh dấu khuyên vào đó, cũng rất đáng kể. Có thể dẫn chứng: “Trời đất vẫn như xưa/ Nhưng núi sông đã khác”; “Người phải cứu lấy người/ Trước tiên: Không hèn nữa/ Không thể ngửa tay xin/ Bình quyền: Giằng trong lửa”; “Dân tộc là nơi đi/ Dân tộc là nơi đến/ Trầm luân bao thác ghềnh/ Sông mới tìm ra biển”; “Lòng dân là biển trời/ Không gì đền đáp được/ Xin lấy quà Độc lập/ Tạ ơn người Tự do”

Đáng chú ý, trong chương 5 và chương 6, có một điểm nhấn về mối quan hệ đặc biệt giữa lãnh tụ với dân, cụ thể là giữa Bác Hồ với một “lương y nhân cách trọng”. Chính lương y này đã giúp người đang nắm vững vận mệnh của dân tộc qua cơn hiểm nghèo, đã “Cứu một vĩ nhân/ Để ân cho dân nước...”. Sau đó, Bác đã dặn anh Tống (bí danh của đồng chí Phạm Văn Đồng thời kỳ hoạt động bí mật ở Việt Bắc): “Độc lập nhớ đi tìm/ Ghi ơn người cứu mệnh/ Một tấm lòng tận thiện/ Cứu người qua lâm nguy”. Điều đó cho thấy tấm lòng của lãnh tụ với dân và Bác luôn nhớ dân, ơn dân. Cũng trong chương 6, có một khổ thơ thật đáng nhớ: “Vườn thuốc quây quanh nhà/ Tỏa mùi hương cứu độ/ Mỗi cây rung một gió/ Mỗi cành một sớm mai”.

“Trăng Tân Trào”, đương nhiên là phải nhắc đến trăng. Đây là vầng trăng chia tách trong một tâm trạng đi - ở không yên: “Lững thững bóng sông Hương/ Hồn quê theo lữ thứ/ Trở mình đụng phải trăng/ Ngủ quên trên bến Ngự”. Còn đây là vầng trăng của hy vọng, vầng trăng của ngày mai, mà chính ở đó, trăng với người là một, cùng “nhất thể hóa” với người trong khát vọng chung có tên gọi là “giải phóng dân tộc”: “Trăng cũng thức cùng người/ Tân Trào dào dạt sóng/ Đất nước làm lại mình/ Cuốc cày trồng hy vọng”.

Với riêng tôi, bốn câu thơ cuối của trường ca, không phải để khép lại mà để mở ra. Một sự khởi đầu từ chính nơi kết thúc là điều dễ nhận thấy. Đó cũng là biệt tài của người viết: “Có đám mây vô danh/ Che rợp trời Việt Bắc/ Mở thu đón khách vào/ Non xanh mùa Độc lập”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dân tộc là nơi đi, dân tộc là nơi đến...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.