(HNMO) - Sau thành công khi thực hiện công nghệ làm đường tại chỗ trên đường Yên Phụ, Hà Nội, Tổng Cục đường bộ Việt Nam tiếp tục áp dụng công nghệ của Đức về cào bóc tái sinh nguội lớp bê tông nhựa để sửa mặt đường hư hỏng trên tuyến Hồ Chí Minh.
Ông Lê Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam đánh giá, công nghệ cào bóc tái chế là công nghệ mới được áp dụng ở Việt Nam, đặc biệt trong công tác bảo trì đường bộ.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án 3 Tổng cục đường bộ Việt Nam trên tuyến đường Hồ Chí Minh từ Km 445+00-503+00 hiện đã bị hỏng cục bộ.
Ban quản lý dự án 3 đã lựa chọn công nghệ thi công theo phương pháp tái chế vừa đáp ứng yêu cầu, tiến độ dự án, vừa bảo đảm giao thông trên tuyến đường trong quá trình thực hiện cào bóc, sửa chữa, tái chế.
Trước đây, bảo trì đường bộ cần bóc lớp nhựa cũ để trải lại lớp nhựa mới. Với công nghệ mới, toàn bộ nhựa hỏng bóc lên không phải bỏ đi mà được tái chế và thảm lại mặt đường ngay lập tức.
Đây là một công nghệ tiên tiến và được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới.
Tổng cục đường bộ Việt Nam đã áp dụng công nghệ làm đường này tại tuyến quốc lộ 2 và quốc lộ 6, cho thấy hiệu quả rất tốt.
Ông Lê Văn Huyện cho biết thêm, thời gian tới, công nghệ mới sẽ được áp dụng vào bảo trì tại các tuyến quốc lộ lớn, đường cao tốc vì phù hợp công tác bảo trì, kéo dài tuổi thọ đường bộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.