Xã hội

Chuyện hiến đất làm đường ở làng Thọ

Thu Hằng 22/01/2024 - 11:32

Tuyến đường trục chính vào làng Thọ, xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) được mở rộng khang trang, sạch đẹp, nhân dân đi lại thuận tiện; cổng làng Thọ to, đẹp mới hoàn thành; nhiều công trình phúc lợi khác của làng cũng được cải tạo, nâng cấp, xây mới…

Đây là kết quả của sự chung sức, đồng lòng hiến đất, góp của, góp công của 359 hộ dân làng Thọ và bà con xa quê hương làm nên. Xuân Giáp Thìn 2024 đang tới gần, người dân làng Thọ phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương, kỳ vọng về một năm mới no ấm, bình an đến với dân làng.

Từ đồng lòng hiến đất mở rộng đường…

Dù việc hiến đất, mở rộng trục đường chính vào làng Thọ (dài khoảng 1,5km) đã hoàn thành, nhưng câu chuyện về nó vẫn luôn được người dân nhắc nhớ mỗi khi ai đó hỏi về quá trình triển khai tuyến đường.

img_6698.jpg
Hộ anh Đinh Công Duẩn hiến gần 30m2 để mở rộng đường làng Thọ.

Dẫn chúng tôi rảo bước trên trục đường làng rộng thênh thang 5-6m, phẳng lì, hai bên đường được làm cống thoát nước kín, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thọ Nguyễn Chí Thành bắt đầu câu chuyện: “Trước đây, tuyến đường này nhỏ lắm, nhiều đoạn rộng chưa đầy 3m, chỉ một ô tô đi được nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân, nhất là vào ngày mùa. Chưa kể, do đường xây dựng từ lâu, đã xuống cấp; hai bên đường chưa có rãnh thoát nước, nước mưa nên không tránh khỏi ô nhiễm bởi nước thải và úng cục bộ khi mưa do không thoát kịp. Từ thực tế này, cấp ủy chi bộ, lãnh đạo thôn Thọ đã lên ý tưởng, rồi triển khai hội nghị quân, dân, chính, xin ý kiến toàn dân về chủ trương mở rộng đường làng.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Chí Thành nhớ lại: “Giai đoạn khó khăn nhất phải kể đến thời điểm đầu thực hiện chủ trương mở rộng đường. Đó là vào khoảng cuối năm 2020, khi đó dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, địa phương đang phải căng mình triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Việc đi lại, hội họp bị hạn chế nên Ban lãnh đạo thôn phải làm phiếu khảo sát, rồi gửi đến từng hộ xin ý kiến. Ban đầu, ý kiến đồng ý nhiều, ý kiến chưa đồng ý cũng có. Thế nhưng, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong", bằng quyết tâm dân vận của cả hệ thống chính trị thôn Thọ, đặc biệt là kiên trì thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu”, chỉ trong thời gian ngắn, 100% các hộ có nhà, đất dọc đường trục chính vào làng và nhân dân toàn thôn đã đồng ý chủ trương mở rộng đường”.

Theo đó, cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể đầu tàu, tự nguyện phá tường rào, công trình, hiến đất trước. Rồi phong trào cứ thế lan tỏa, các hộ dân dọc tuyến đường cùng nhau tự nguyện hiến đất, cả thôn Thọ hừng hực khí thế, góp công, góp của mở rộng đường. Theo thống kê của thôn Thọ, giá trị đất thổ cư ở thôn thời điểm đó khoảng 8 triệu đồng/1m2, nhưng tất cả vì việc chung, không ai so đo, tính toán, 76/76 hộ có đất thổ cư, công trình nằm dọc tuyến đường đã tình nguyện hiến 1.300m2, tổng giá trị đất đã hiến ước thành tiền khoảng 10,4 tỷ đồng.

Bên cạnh việc hiến đất, cán bộ thôn đã huy động nguồn lực xã hội hóa từ nhân dân và những người con xa quê ủng hộ để xây dựng lại tường rào và các công trình phụ của các hộ hiến đất với tổng kinh phí xây dựng là 1,3 tỷ đồng. Từ cuối năm 2020 đến giữa năm 2021, với sự đầu tư kinh phí của Nhà nước, nguồn xã hội hóa trong nhân dân, dự án cải tạo, nâng cấp trục đường chính vào thôn Thọ đã được triển khai, mỗi bên mở rộng thêm 1-1,2m so với hiện trạng đường ban đầu.

Trong phong trào hiến đất mở rộng đường làng Thọ đã có nhiều gia đình gương mẫu đi đầu. Đáng ghi nhận và biểu dương là thầy giáo Nguyễn Xuân Ngũ, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Thanh; 15 hộ gia đình cựu chiến binh thuộc Chi hội Cựu chiến binh thôn Thọ đã tình nguyện hiến đất, ủng hộ tiền xây dựng công trình và nhiều hộ dân khác…

Dừng lại ở đoạn đường qua gia đình Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Thọ Nguyễn Hải Tuyết, ông Nguyễn Chí Thành giới thiệu: Không chỉ gương mẫu đi đầu hiến 12m2 để mở rộng trục đường làng, ông Tuyết còn vận động cán bộ, hội viên cựu chiến binh, con, em trong gia đình hiến đất, đóng góp hàng chục triệu đồng để thôn xây dựng đường làng và các công trình phúc lợi khác. “Từ ngày đường được mở rộng, dân làng Thọ rất phấn khởi. 2 ô tô giờ có thể tránh nhau thoải mái, cống thoát nước được xây kín, sạch sẽ nên cũng không còn cảnh úng cục bộ khi mưa”, ông Nguyễn Hải Tuyết vui vẻ nói.

img_6694.jpg
Đường rộng rất thuận lợi cho người dân đi lại.

Cũng nằm dọc trục đường làng vừa mở, gia đình anh Đinh Công Duẩn có 28m dài chạy dọc trục đường chính vào làng đã xây dựng nhà ở, tường rào và sân. Thế nhưng, khi thôn Thọ có chủ trương mở rộng đường, gia đình anh đã tự nguyện lùi vào để mở rộng đường với diện tích đất hiến cho thôn là gần 30m2 đất. Không chỉ hiến đất, gia đình anh còn góp 5 triệu để làng làm đường…

Một tin vui đến với người dân làng Thọ là ngay trong những ngày đầu năm 2024 này, gần 50 hộ dân ở một trục ngõ dài 800m của làng đã đồng thuận hiến đất thổ cư và đề nghị lãnh đạo thôn và UBND xã Hợp Thanh hỗ trợ để tuyến ngõ sớm được mở rộng, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

... đến xây dựng nhiều công trình phúc lợi

Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy xã Hợp Thanh về xây dựng nông thôn mới nâng cao, cùng với việc tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn hiến đất mở rộng trục đường chính, từ năm 2020 đến nay, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã chung sức, đồng lòng, đóng góp công sức, tiền của hoàn thành xây dựng nhiều công trình phúc lợi dân sinh khác, như: Xây dựng nghĩa trang của thôn với kinh phí 997 triệu đồng, xây dựng cổng làng 602 triệu đồng và xây dựng đình làng Quán Thụ (thôn Thọ)... Nhờ đó, bộ mặt thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn.

Điểm nhấn ấn tượng với bất cứ người con quê hương hay du khách khi đến đây, đó là chiếc cổng vừa hoàn thành. Cùng với việc mở rộng đường, cấp ủy, Ban lãnh đạo thôn tiếp tục họp bàn, xin ý kiến về việc xây dựng cổng thôn. Được nhân dân đồng thuận, từ tháng 6-2021 đến tháng 5-2022, thôn Thọ tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng cổng.

Ông Nguyễn Văn Giáp, người con xa quê, hiện đang sinh sống ở tỉnh Quảng Ninh bộc bạch: Cổng làng Thọ để lại ấn tượng đối với du khách thập phương cũng như người con xa quê như chúng tôi mỗi khi trở về. Chúng tôi cảm nhận được sự yêu thương, đùm bọc của người dân; cảm thấy luôn được che chở mỗi khi về quê… Đây thực sự là công trình của lòng dân. Một công trình mà từ lâu chúng tôi mong ước, nhưng đến giờ mới thực hiện được.

Để xây dựng được công trình phúc lợi kể trên, ngoài nguồn vốn đóng góp của nhân dân trong thôn, cấp ủy, Ban lãnh đạo thôn đã bàn bạc, thống nhất thành lập Ban vận động nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa từ các tập thể, cá nhân hảo tâm trong và ngoài địa phương, đặc biệt là những người con xa quê của thôn.

3(1).jpg
Cổng làng Thọ để lại ấn tượng đối với du khách thập phương cũng như những người con xa quê mỗi khi trở về.

"Tôi là Trưởng ban vận động đã cùng với các thành viên đi đến 13 tỉnh, thành phố trong cả nước - nơi có những người con làng Thọ đang làm ăn, sinh sống để vận động ủng hộ. Phương châm triển khai "công khai, minh bạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả", chỉ trong thời gian ngắn, Ban vận động đã huy động được kinh phí xây dựng 4 công trình trên địa bàn thôn là 3,6 tỷ đồng. Nhiều người con xa quê đã ủng hộ thôn xây dựng công trình phúc lợi với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng như các hộ: Ông Nguyễn Văn Thơ đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Quốc Toán sinh sống ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội); ông Nguyễn Văn Giáp sinh sống ở tỉnh Quảng Ninh...

Điều đáng quý và trân trọng nhất ở thôn Thọ chính là tinh thần đoàn kết, tự giác và tiên phong hiến đất, góp của, góp công của rất nhiều cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể và các hộ dân trong thôn. Tinh thần đó đã góp phần cổ vũ toàn dân thi đua xây dựng nông thôn đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội. Đây chính là tiền đề quan trọng góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền xã Hợp Thanh hoàn thành chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao vào năm 2025 theo kế hoạch đề ra.

Chia sẻ với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thanh Phạm Đức Khải cho hay, phong trào hiến đất, góp công, góp của mở rộng đường làng, xây dựng các công trình phúc lợi tại thôn Thọ đã lan tỏa đến các thôn trong xã như thôn Vân, thôn Ải... Có thể thấy, nhờ có sự đoàn kết của cán bộ, đảng viên, cùng với tinh thần chung sức, đồng lòng của nhân dân đã giúp cho thôn Thọ hoàn thành nhiều công trình phúc lợi, tạo nên diện mạo mới cho làng quê.

Chia tay làng Thọ, tôi nhớ mãi câu đối ghi hai bên cổng làng: Cổng dựng nơi đây đón tiếp con em về bái tổ/Làng Thọ hân hoan chào mừng bè bạn đến thăm quê. Hy vọng rằng, với những tiền đề sẵn có, nhân dân làng Thọ sẽ giàu có hơn để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện hiến đất làm đường ở làng Thọ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.