Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dân liệu có còn ngại kiện “quan”?

Hà Phong| 06/11/2010 07:11

(HNM) - Trong khi tại nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu dân cử tỏ ý tán thành đề xuất người dân được khiếu kiện hành chính thẳng ra tòa mà không phải qua khâu giải quyết khiếu nại lần đầu (dự thảo Luật Tố tụng hành chính) nhằm tạo thuận lợi cho dân kiện

Lắng nghe ý kiến người dân tại Ban Tiếp công dân UBND TP Hà Nội. Ảnh: Nguyệt Ánh


Những con số biết nói
Số liệu của TAND TP Hà Nội từ năm 1998 đến nay cho thấy, cơ quan này cùng các đơn vị trực thuộc đã giải quyết 621 vụ án hành chính, bằng 1/12 án hình sự của riêng năm 2009. Trong đó Tòa Hành chính - TAND TP Hà Nội giải quyết 237 vụ. TAND các quận, huyện, thị xã giải quyết 384 vụ. Nhiều nhất là Long Biên 72 vụ; Hà Đông 45 vụ; Từ Liêm 31 vụ; Hoàng Mai 29 vụ… Các huyện Mỹ Đức, Mê Linh, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Ba Vì, Thạch Thất, Hoài Đức chỉ có 1 đến 4 vụ. Những đơn vị còn lại không có vụ án hành chính nào hoặc thụ lý rất ít. Theo TAND TP Hà Nội, có kết quả này một phần là do chính quyền địa phương một số nơi đã quản lý hành chính tương đối tốt, khi phát sinh khiếu nại đã kịp thời tổ chức giải quyết. Mặt khác, trước đây, các loại khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 chỉ là 8 nhóm. Sau đó, qua các lần sửa, mới được mở rộng lên 22 nhóm vào năm 2006 nên lượng án thụ lý vài năm lại đây mới tăng lên...

Tuy nhiên, nếu so sánh số án hành chính mà tòa án đã giải quyết trong những năm qua với lượng đơn khiếu nại, tố cáo của công dân thì thấy có sự chênh lệch rất lớn. Theo ông Trần Ngọc Hoàn, Phó Trưởng ban Tiếp công dân TP Hà Nội, trung bình một tháng đơn vị tiếp khoảng 350-400 lượt người, tiếp nhận và xử lý từ 850 đến 1.000 đơn của công dân, tổ chức. Phải chăng người dân Thủ đô ít muốn đến tòa hành chính vì ngại kiện "quan", từ đó dẫn đến việc hạn chế các vụ án được đem ra xét xử?

Cần cuộc cách mạng quyết liệt

Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Đoàn Luật sư Hà Nội: "Theo quy định, trong 5 ngày nếu người phải thi hành án (ví dụ UBND) không thực hiện thì chấp hành viên yêu cầu phải thi hành. Nếu không sẽ báo cáo lên cấp trên. Nhưng tôi không rõ trường hợp chấp hành viên cấp huyện yêu cầu chủ tịch tỉnh làm có tiện không?".

Luật gia Nguyễn Thành Nam - TƯ Hội Luật gia Việt Nam: "Nhà nước vốn có lợi thế hơn về quyền lực. Do vậy, muốn "cân bằng", cần bổ sung thêm quyền cho các bên đương sự, trong đó quan tâm đến quyền của người khởi kiện. Hiện quy định trong dự luật Tố tụng hành chính về việc thu thập tài liệu, chứng cứ hiện nay chỉ phù hợp với bên bị kiện là cơ quan nhà nước. Còn các tổ chức, cá nhân mặc dù đã có quy định về quyền yêu cầu tòa án thu thập chứng cứ nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai".

Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng bất cập này là có thật ở nhiều địa phương, do các văn bản pháp luật "đá" nhau, gây khó khăn cho công tác thụ lý, xét xử và chưa bảo vệ đầy đủ quyền lợi chính đáng của công dân. Thực tiễn giải quyết án ở TP cho thấy, Luật Khiếu nại - Tố cáo, Luật Đất đai và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính có nhiều điểm mâu thuẫn nên đội ngũ thẩm phán áp dụng chưa thống nhất, việc xét xử còn có những thiếu sót. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng hủy án, sửa án, trả lại đơn kiện hoặc thụ lý đơn kiện chưa đúng quy định pháp luật. Còn một vấn đề nữa là chính các thẩm phán cũng có biểu hiện "ngại" xét xử án hành chính. Nói như luật sư Nguyễn Trọng Hải: "Bổ nhiệm thẩm phán có một quy trình là xin ý kiến cấp ủy. Mà cấp ủy có ông phó bí thư - chủ tịch UBND. Thế nên thẩm phán có lo ngại nhất định". Mô hình cơ quan xét xử theo đơn vị hành chính lãnh thổ và những mối quan hệ phụ thuộc về tổ chức, nhân sự giữa tòa án và chính quyền địa phương đã ảnh hưởng không nhỏ đến tính độc lập trong xét xử của tòa án, đặc biệt khi bên bị kiện là các cơ quan trong bộ máy hành chính ở địa phương.


Phán quyết "quan" thua kiện "là cả một vấn đề", việc thi hành các bản án còn khó hơn rất nhiều. Nếu bên bị kiện (ví dụ UBND) không tự nguyện thi hành án, cơ quan thi hành án cũng khó có thể cưỡng chế vì chưa có quy định ràng buộc cụ thể và quan hệ phụ thuộc như đã nói trên.

Thiếu giám sát
Kẽ hở này là tiền đề dẫn đến chuyện hơn 13 năm nay vẫn chưa có một cơ quan nào thống kê, theo dõi các bản án hành chính được thi hành ra sao. Trong khi đó, mỗi quyết định chính xác của bản án hành chính sẽ tác động trực tiếp đến công việc quản lý và điều hành của những người có chức vụ trong cơ quan hành pháp. Điều này không những tạo ra sự dân chủ trong một xã hội nhà nước pháp quyền mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Thế nhưng dự thảo Luật Tố tụng hành chính chưa thể hiện rõ biện pháp cưỡng chế thi hành án hành chính.

Với đặc thù là xem xét hành vi của các "quan" cùng với thực trạng xét xử loại án này cho thấy, án hành chính vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Chuyện công dân - Nhà nước thực sự bình đẳng trước pháp luật vẫn là rất cần nhưng cũng rất khó".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dân liệu có còn ngại kiện “quan”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.