(HNM) - Chỉ còn đúng một tuần nữa là đến ngày bầu cử. Tại Hà Nội, những ngày qua, các ứng cử viên (ƯCV) đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và ĐB HĐND TP nhiệm kỳ 2011-2016 đã tiếp xúc cử tri vận động bầu cử.
Các cuộc tiếp xúc cho thấy những kỳ vọng to lớn mà cử tri và nhân dân gửi gắm nơi những người đại diện. Đặc biệt, tinh thần dân chủ, trách nhiệm đã lan tỏa khắp các cuộc tiếp xúc.
Đồng cảm, đồng thuận
Cử tri quận Hoàn Kiếm phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc giữa cử tri với những người ứng cử đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2011-2016. Ảnh: Bảo Lâm
8h ngày 7-5, hội trường Quận ủy quận Ba Đình (Đơn vị bầu cử số 1) đã không còn một chỗ trống. "Tôi muốn nghe xem các ƯCV nói gì về trách nhiệm của mình nếu trúng cử. Ai xứng đáng có thể cảm nhận được một phần từ đây" - bác Nam, ở phường Cống Vị nói với chúng tôi trước khi chủ tọa khai mạc. Khoảng 300 cử tri đã có mặt tiếp xúc với 5 ƯCV ĐBQH khóa XIII. Chỉ trong một tuần, 54 cuộc tiếp xúc giữa cử tri với ƯCV ĐBQH khóa XIII và 58 cuộc tiếp xúc giữa cử tri và ƯCV ĐB HĐND TP nhiệm kỳ 2011-2016 đã diễn ra đúng pháp luật. Mỗi cuộc tiếp xúc đều có sự tham gia của hàng trăm cử tri. Đó trước hết là sự thành công về mặt tổ chức với vai trò nòng cốt là Mặt trận Tổ quốc và Ủy ban Bầu cử các cấp.
Điểm nổi bật trong các cuộc tiếp xúc vừa qua là sự đồng cảm giữa các ƯCV và cử tri khi cùng hướng về những vấn đề "quốc kế, dân sinh" thời sự hiện nay. Các ƯCV khẳng định sẽ không ngừng tu dưỡng đạo đức, rèn luyện chuyên môn để đóng góp tích cực đổi mới hoạt động của cơ quan dân cử; đề xuất, giám sát giải quyết những vấn đề bức xúc xã hội như tham nhũng, lãng phí, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, vi phạm trật tự xây dựng, thiếu quy hoạch… Nhiều cuộc tiếp xúc, cử tri có ý kiến bày tỏ lo ngại về tình hình giá cả leo thang, tình trạng kỷ cương xã hội còn yếu kém, nhiều bất cập còn hiện hữu như bệnh viện, trường học quá tải, mất vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều…
Điều cử tri băn khoăn nhất là các giải pháp để giải quyết những vấn đề này trên cương vị công tác cũng như năng lực chuyên môn, thì không phải ƯCV nào cũng làm cử tri thỏa mãn. Một vài ƯCV vẫn trình bày chương trình hành động một cách thiếu trực tiếp, thiếu trọng tâm, thậm chí dài dòng. Nhưng bản thân cử tri cũng có điều cần rút kinh nghiệm vì nhiều người phát biểu, trao đổi với ƯCV cũng không đi trực tiếp vào vấn đề, nói dài. Với cách đề cập ngắn gọn, tại cuộc tiếp xúc ƯCV ĐBQH với các sinh viên ĐH ở Đơn vị bầu cử số 2 của TP đã có hơn 20 ý kiến cử tri, trong khi nhiều cuộc khác chỉ có trên dưới 10 ý kiến trong nửa ngày làm việc.
Dân chủ, bình đẳng
Trong số các ƯCV có người giữ cương vị lãnh đạo cấp cao, có người là cán bộ hưu trí, nhưng trong các cuộc tiếp xúc cử tri vừa qua, sự bình đẳng giữa các ƯCV được thể hiện rất rõ. Tên, vị trí, thứ tự trình bày chương trình hành động, trao đổi với cử tri của các ƯCV đều được xếp theo vần A, B, C. Về tính dân chủ của cuộc bầu cử, Tổng Bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nói: "Tôi thấy ai cũng xứng đáng cả, nên tính cạnh tranh sẽ rất cao. Ở đây không có "quân xanh, quân đỏ", vì vậy cử tri phải cân nhắc, lựa chọn kỹ càng để bầu những người xứng đáng nhất đại diện cho mình". Không chỉ các ƯCV ĐBQH, các ƯCV ĐB HĐND TP cũng được cử tri đánh giá cao. "Quả thực, để lựa chọn 3/5 ƯCV để bầu vào HĐND TP không hề dễ dàng. Mỗi ƯCV có một thế mạnh, bỏ ai cũng tiếc"- anh Nguyễn Duy Hiếu, cử tri phường Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm cho biết.
Tính dân chủ của các cuộc tiếp xúc được thể hiện nổi bật trong trao đổi giữa cử tri với các ƯCV. Cử tri đã không ngại ngần bày tỏ quan điểm, nhận xét về các ƯCV. Có nơi, cử tri thẳng thắn góp ý: "Theo tôi thì chương trình hành động nên làm rõ xem nếu trúng cử ĐB sẽ làm gì cho dân, giúp dân giải quyết những vấn đề cụ thể gì? Có đơn vị, cử tri còn chất vấn về bằng cấp của ƯCV là minh chứng cho thấy cử tri khi tiếp xúc với ƯCV cũng đã tìm hiểu khá kỹ. Bên cạnh đó có ƯCV khi vận động bầu cử đã thẳng thắn đề nghị "Cử tri có thể giám sát bản thân tôi, gia đình, vợ con, nếu sai sót thì không cho làm nữa" đã khẳng định ý thức trách nhiệm của ƯCV ngay từ khi tham gia ứng cử vào các cơ quan dân cử.
Tại các cuộc tiếp xúc, cử tri yêu cầu: "Các ƯCV sau khi trúng cử hãy giữ đúng lời hứa của mình, thực hiện đúng như những điều đã nói trong chương trình hành động". Thậm chí có cử tri còn cho biết "Tôi đã lưu những bản chương trình hành động của các ƯCV. Tôi sẽ theo dõi xem sau khi trúng cử các vị có thực hiện được không". Qua đây càng cho thấy rằng, mối quan hệ giữa cử tri và đại biểu dân cử đã rất mật thiết ngay từ trước khi được bầu. Về điều này, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh nói: "Để hoàn thành nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân theo quy định của luật, bên cạnh sự nỗ lực cố gắng của bản thân, sự giúp đỡ của đồng chí, đồng nghiệp, thì sự giúp đỡ của cử tri là rất quan trọng".
Đợt tiếp xúc cử tri vận động bầu cử không chỉ xới lên những chủ đề cần quan tâm trong đời sống xã hội, mà còn là nơi để các đại biểu dân cử tương lai và cử tri cùng nhìn nhận về trách nhiệm của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.