(HNM) - Theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23-12-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 3-1 và kết thúc vào ngày 15-3-2023.
Theo thống kê sơ bộ, sau hơn 2 tháng triển khai, đã có gần 8.000 lượt ý kiến góp ý qua website của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì và phối hợp tổ chức 12 hội nghị, hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo luật. Trên Cổng thông tin điện tử chính phủ, hơn 2.000 góp ý có chất lượng được tổng hợp gửi đến Ban soạn thảo. Toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Qua đó có thể thấy, cùng với Hiến pháp thì đợt lấy ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, nhận được sự quan tâm sâu sắc của nhân dân. Qua tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhiều ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo luật, đánh giá dự thảo đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân; phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Các ý kiến của nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đóng góp vào dự thảo luật tập trung vào các nhóm vấn đề, như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất; đất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Qua các hội nghị, hội thảo cho thấy các ý kiến đóng góp rất dân chủ, thẳng thắn, đa chiều, chỉ ra các vướng mắc, bất cập trong chính sách đất đai hiện hành, từ đó đưa ra nhiều đề xuất giá trị. Ngoài ra, các hội thảo, hội nghị đã được tổ chức theo các vùng miền khác nhau để có cơ sở nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung các quy định trong dự án luật làm sao phù hợp với đặc trưng vùng miền từng địa phương. Cách thức tổ chức và ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa bảo đảm tính bao trùm, vừa có tính chuyên sâu, cho thấy cơ quan soạn thảo đã rất cầu thị.
Theo kế hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân để trình Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trước ngày 1-4 và đưa ra xem xét lần đầu trên diễn đàn Quốc hội trong kỳ họp dự kiến diễn ra vào tháng 5-2023. Thời gian không còn nhiều và vấn đề đặt ra lúc này là công tác tiếp thu, chỉnh lý cần được tiến hành một cách trách nhiệm. Mong muốn của nhân dân cả nước là Ban soạn thảo có thể tập hợp, phân loại, lắng nghe những ý kiến đóng góp và chắt lọc những nội dung cơ bản, chất lượng để đưa vào dự thảo luật. Trong đó, cần lưu ý những góp ý “trái chiều” nhưng mang tính xây dựng cao để có thể thiết kế thêm phương án đưa vào dự thảo luật.
Đặc biệt, Ban soạn thảo cần có phản hồi cụ thể những ý kiến đóng góp của các chủ thể, để người góp ý thấy rằng ý kiến của mình đã được lắng nghe, tiếp thu. Ngoài ra, cũng cần chủ động phản bác những luận điệu sai trái nhằm chống phá chế độ xung quanh việc xây dựng, góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tin tưởng rằng, sau đợt lấy ý kiến dân chủ, rộng rãi của toàn xã hội, chúng ta sẽ có một bộ luật hiệu quả nhất nhằm khai thác tiềm năng và sử dụng đất đai một cách hiệu quả để phục vụ vào công cuộc phát triển đất nước trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.