Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đắm say cùng trang sử cũ

Quỳnh Anh| 02/01/2021 18:51

(HNMCT) - Dựa trên hồn cốt của lịch sử, văn học tạo ra những món ăn tinh thần hấp dẫn. Với Đặng Ngọc Hưng, những câu chuyện hào hùng của cha ông là đề tài hấp dẫn, là nguồn cảm hứng để anh sáng tác tiểu thuyết lịch sử, dù bản thân vốn là người viết "tay ngang".

Đặng Ngọc Hưng sinh năm 1972, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội. Với anh, viết về lịch sử là cách thiết thực nhất để tôn vinh và tỏ lòng biết ơn với công lao của cha ông. Hiện anh đã cho ra đời hai cuốn tiểu thuyết lịch sử là “Bạch Đằng dậy sóng” và “Hùng binh”.

Điều ngạc nhiên là Đặng Ngọc Hưng vốn là một kỹ sư xây dựng. Dù đã cho ra mắt hai cuốn tiểu thuyết lịch sử nhưng đôi lúc anh vẫn ngại ngùng khi có ai đó gọi mình là nhà văn. Cây bút này chỉ nhận mình là một người ham thích lịch sử và muốn kể lại những câu chuyện đáng nhớ của cha ông. Đặng Ngọc Hưng kể lại chiến tích của cha ông bằng một giọng văn gần gũi, dung dị, hào hùng. Trong những câu chuyện đầy bi tráng, người đọc cảm nhận rõ nét nhuệ khí ngút trời của tinh thần yêu nước đã được gìn giữ suốt hàng nghìn năm lịch sử.

Năm 2011, Đặng Ngọc Hưng cho ra mắt “Bạch Đằng dậy sóng” kể về thủy quân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Khi đọc và tìm hiểu tài liệu lịch sử để viết cuốn tiểu thuyết này, anh đã tìm thấy tư liệu thú vị về việc các chiến thuyền của chúa Nguyễn Phúc Tần giao chiến với người Hà Lan.

Vua Minh Mạng cũng rất quan tâm đến việc phát triển thủy quân và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ông cho lập Hải đội Hoàng Sa tại xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi. Hải đội này hằng năm giong thuyền ra Hoàng Sa canh giữ biển đảo và đánh bắt cá. Việc này đã được ghi rõ trong “Đại Việt sử ký tục biên”. Những cứ liệu lịch sử đó thôi thúc Đặng Ngọc Hưng viết tiếp “Hùng binh” - kể về Hải đội Hoàng Sa dưới thời vua Minh Mạng. Họ là những người con của biển cả, sống dựa vào tôm cá ngoài khơi xa, nhưng khi Tổ quốc cần, họ không tiếc thân mình. Tinh thần yêu nước ấy đã được thể hiện một cách trọn vẹn trong tiểu thuyết “Hùng binh”.

Là người gốc Bắc, sinh sống tại Hà Nội nhưng trong tác phẩm của mình, nhà văn Đặng Ngọc Hưng đã sử dụng một cách nhuần nhuyễn, chính xác phương ngữ khu vực Nam Trung Bộ. Khi bắt đầu viết “Hùng binh”, một số người khuyên anh không cần chú trọng quá nhiều vào hệ thống từ địa phương. Nhưng tác giả lại muốn những người đã và đang sống ở vùng đất này khi đọc tiểu thuyết của anh cảm nhận được một bầu không khí thân thuộc.

Sự tỉ mỉ và trau chuốt của tác giả còn được thể hiện qua cách anh miêu tả từng đợt gió vần vũ trong những cơn bão biển hay cách dân làng nhìn mây trời, con nước để biết khi nào nên căng buồm ra khơi. Những chi tiết này chân thực đến mức người đọc có cảm tưởng như chúng được viết ra bởi một người con của biển, đã từng làm nghề chài lưới. Nếu không có tình yêu tha thiết với những câu chuyện lịch sử, làm sao tác giả viết một cuốn tiểu thuyết dày hơn 500 trang một cách sống động và truyền cảm đến vậy.

Đặng Ngọc Hưng đã mất hơn 3 năm để viết “Hùng binh”, và thêm chừng đó thời gian để chờ đợi đứa con tinh thần của mình đến được với bạn đọc. Khi biết có độc giả mới 10 tuổi đã say mê đọc cuốn tiểu thuyết này, anh vô cùng vui vì nỗ lực của mình đã được đền đáp.

Tiểu thuyết “Hùng binh” đã được vinh danh tại Giải thưởng Sách quốc gia 2019 và tại Cuộc thi Tiểu thuyết lần thứ 5 của Hội Nhà văn Việt Nam (2016 - 2020). Đó là phần thưởng xứng đáng dành cho nhà văn Đặng Ngọc Hưng. Mong rằng những giải thưởng danh giá này sẽ giúp “Hùng binh” đến gần hơn với bạn đọc. Đây cũng là mong mỏi lớn nhất của tác giả và những cây bút tâm huyết với một thể loại “nặng ký” như tiểu thuyết lịch sử.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đắm say cùng trang sử cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.