(HNM) - Chỉ còn chưa đầy 20 ngày nữa, giai đoạn chuyển tiếp sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, sẽ kết thúc. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận thương mại nhằm tránh “cú sốc” nguy hiểm đối với thị trường tài chính. Hiện tại, dư luận EU đang thấp thỏm chờ quyết định cuối cùng sẽ được đoàn đàm phán hai phía đưa ra vào hạn chót (ngày 13-12).
Đề phòng kịch bản không mong muốn xảy ra, ngày 10-12 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố đã đưa ra kế hoạch ứng phó khẩn cấp. Các biện pháp này sẽ bảo đảm hoạt động đi lại hàng không, đường bộ giữa Anh và EU được thông suốt trong 6 tháng tới nếu như Anh nhất trí. Kế hoạch này cũng giúp duy trì quyền đánh bắt cá của cả hai bên đến cuối năm 2021 khi Anh và EU cho phép các tàu vào lãnh hải của nhau.
Dự kiến các biện pháp trên sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Trong trường hợp khác, chúng sẽ hết hiệu lực khi hai bên đạt được thỏa thuận.
Động thái trên được đưa ra sau khi cuộc gặp kéo dài 3 giờ giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen vào ngày 9-12-2020 không có đột phá. Thông báo chung của lãnh đạo Anh và EU cho thấy, hai bên vẫn còn tồn tại những khác biệt ở một số vấn đề. Trong đó, gai góc nhất là quyền đánh bắt cá. Mỗi năm ngư dân Anh thu về khoảng 800 triệu bảng và ngư dân các nước EU có được khoảng 600 triệu bảng từ việc đánh bắt hải sản trong các vùng biển của Anh. Đây là con số không lớn so với quy mô nền kinh tế của cả hai bên, nhưng quyền tiếp cận các vùng biển của Anh trở thành vấn đề đặc biệt được chú ý do tầm quan trọng mang tính biểu tượng của lĩnh vực này mà cả hai bên đặt vào đó.
Đối với EU, ngành công nghiệp đánh bắt cá của một số nước thành viên ven biển đang dựa vào các vùng biển của Anh làm ngư trường chính và do đó, Brussels không muốn quyền tiếp cận các vùng biển này bị thu hẹp. Ngược lại, đối với Anh, ngành công nghiệp đánh bắt cá được cho là suy giảm khi thực hiện theo chính sách ngư nghiệp chung của EU. Tuy nhiên, quan trọng nhất có lẽ là vấn đề chủ quyền. Thủ tướng B.Johnson đã phát biểu tại Hạ viện Anh trước khi ông lên đường sang Brussels gặp bà Ursula von der Leyen rằng, nếu đáp ứng các yêu cầu của EU thì “Anh sẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới không có quyền kiểm soát chủ quyền đối với các vùng biển đánh bắt cá của mình”.
Thứ nữa là vấn đề sân chơi bình đẳng. EU yêu cầu Anh chấp nhận một bộ tiêu chuẩn chung về trợ cấp nhà nước, các quyền của người lao động, môi trường và thuế quan… để bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp EU trước các doanh nghiệp Anh. Trong khi đó, Anh chỉ đưa ra những bảo đảm tương đối lỏng lẻo, muốn có những điều kiện thông thoáng hơn, tương tự những điều khoản EU đã dành cho Canada. Tuy nhiên, EU không chấp nhận đề xuất này và yêu cầu những cam kết có tính bắt buộc hơn do Anh có quy mô nền kinh tế lớn và gần với thị trường chung EU hơn rất nhiều so với Canada.
Trong bối cảnh hai bên vẫn còn tồn tại những khác biệt rất lớn, không ai có thể dám đưa ra dự báo về kết quả đàm phán vào ngày 13-12 tới. Nếu Anh nói lời chia tay với thị trường chung và liên minh thuế quan của EU mà không có thỏa thuận nào được ký kết, hệ lụy kéo theo sẽ là những xáo trộn ngoài mong đợi do tác động của Brexit “cứng” mang đến. Đó là tắc nghẽn biên giới, đảo lộn thị trường tài chính và thậm chí còn có nguy cơ phá vỡ chuỗi cung ứng trên khắp châu Âu. Đây là những vấn đề đặc biệt nghiêm trọng, nhất là khi châu Âu và cả Anh đang đối phó với những thiệt hại kinh tế khủng khiếp do đại dịch Covid-19 gây ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.