(HNMO) - Các bộ trưởng tài chính khu vực Eurozone đã loại trừ bất kỳ cuộc đàm phán nào về gói cứu trợ mới dành cho Hy Lạp cho đến khi đất nước này tổ chức xong cuộc trưng cầu dân ý vào cuối tuần này.
Theo hãng tin BBC, Hy Lạp sẽ được yêu cầu chấp thuận hoặc từ chối đề xuất của các chủ nợ hồi tuần trước, một đề xuất mà Thủ tướng Alexis Tsipras đã kêu gọi cử tri bỏ phiếu "Không".
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis cáo buộc các chủ nợ tống tiền. Nhưng ông cam kết một thỏa thuận sẽ sớm đạt được sau cuộc trưng cầu dân ý và việc hạn chế rút tiền ngân hàng sẽ được nới lỏng.
Trước đó ngày hôm qua, 1/7, ông Tsipras đã đưa ra đề xuất mới cho các đối tác khu vực đồng tiền chung châu Âu, chấp nhận hầu hết những điều kiện được đặt lên bàn đàm phán trước khi các cuộc đàm phán với các chủ nợ bế tắc hồi tuần trước, với một chút thay đổi.
Đề nghị mới nhất của ông gắn với thỏa thuận về một gói cứu trợ thứ ba từ quỹ cứu trợ của EU, kéo dài hai năm và lên tới 29,1 tỷ euro.
Tuy nhiên, sau đó ông Tsipras đã có một bài phát biểu đầy thách thức trên truyền hình quốc gia khẳng định cuộc bỏ phiếu ngày 5/7 tới sẽ được tiến hành và kêu gọi người dân bỏ phiếu "Không" để tăng cường sức mạnh của Hy Lạp trong các cuộc đàm phán.
Ông Varoufakis phát biểu sau đó trong một cuộc phỏng vấn truyền hình rằng: "Đây là một thời khắc đen tối với châu Âu. Họ đã đóng cửa các ngân hàng của chúng tôi vì mục đích duy nhất là tống tiền. Việc bỏ phiếu “Có” cho một giải pháp không bền vững sẽ là điều xấu cho châu Âu".
Nhưng ông nói thêm: "Ngày 6/7 tới đây, các chủ nợ, những người cho vay sẽ nhận được thông điệp của người dân Hy Lạp... Ngay sau khi họ nhận được thông báo này, hãy chắc chắn rằng trong một thời gian rất ngắn sẽ có phản ứng".
Bộ trưởng Tài chính Hà Lan và Chủ tịch khối EU Jeroen Dijsselbloem đã trả lời các kiến nghị của ông Tsipras bằng cách nói rằng, một gói cứu trợ mới chỉ có thể được thảo luận "sau và trên cơ sở kết quả của" cuộc bỏ phiếu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, các cuộc đàm phán phải thực hiện sau khi có kết quả bỏ phiếu.
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói rằng, ông muốn có một thỏa thuận trước cuộc trưng cầu dân ý.
Trong tuần này, các ngân hàng Hy Lạp đã không mở cửa sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu đóng băng tính thanh khoản của họ. Nhưng ECB đã không quyết định yêu cầu thêm tài sản thế chấp từ các ngân hàng Hy Lạp như một số suy đoán.
Việc rút tiền từ các máy rút tiền được giới hạn ở mức 60 euro một ngày nhưng một số chi nhánh ngân hàng đã mở cửa trở lại ngày hôm qua, cho phép những người nghỉ hưu - nhiều người trong số này không sử dụng thẻ ngân hàng – được rút tiền hàng tuần lên đến 120 euro.
Athens đã không thể trả khoản vay 1,5 tỷ euro cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hôm 30/6. Với việc các gói cứu trợ từ EU trước đó đã hết hạn, Hy Lạp không còn có thể tiếp cận hàng tỷ euro trong các quỹ.
Giám đốc IMF Christine Lagarde cho biết, Quỹ này sẽ vẫn "cố gắng giúp đỡ" và bà hy vọng cuộc trưng cầu dân ý sẽ mang lại "sự rõ ràng hơn".
Các nhà lãnh đạo EU đã cảnh báo rằng, nếu kết quả bầu cử là "Không" thì Hy Lạp sẽ rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu - mặc dù ông Tsipras nói rằng ông không muốn điều này xảy ra.
Một cuộc thăm dò do báo Hy Lạp Efimerida tấn Syntakton công bố hôm qua cho thấy, 54% người Hy Lạp sẽ bỏ phiếu chống lại các điều khoản vay nợ cho một gói cứu trợ - nhưng số lượng người nói "Không" đã giảm đáng kể từ sau khi việc kiểm soát vốn được tiến hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.